Nam, nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần tại TP HCM tiết lộ, việc ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ là quy định "bất thành văn" tại ngân hàng, do phí bảo hiểm đem lại nguồn lợi "khủng" cho cả nhà băng lẫn công ty bảo hiểm. Theo nhân viên này, mức phí mà ngân hàng được hưởng lên đến 40% trên tổng tiền phí bảo hiểm năm đầu, trong đó bản thân nhân viên được 10%, giám đốc chi nhánh 4%.
"Chẳng hạn khách hàng mua phí bảo hiểm là 15 triệu đồng một năm thì hoa hồng dành cho ngân hàng khoảng 6 triệu, trong đó nhân viên tín dụng được hưởng 1,5 triệu đồng, giám đốc chi nhánh 600.000 đồng", Nam nói và cho biết, để hưởng được mức 10% này thì trong vòng ba tháng liên tục, tính bình quân mỗi tháng nhân viên phải đạt doanh số bán bảo hiểm tối thiểu 60 triệu đồng. Nếu dưới mức này thì coi như không được hưởng đồng nào, thậm chí xác định nguy cơ bị cho thôi việc.
Nam, nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần tại TP HCM tiết lộ, việc ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ là quy định "bất thành văn" tại ngân hàng, do phí bảo hiểm đem lại nguồn lợi "khủng" cho cả nhà băng lẫn công ty bảo hiểm. Theo nhân viên này, mức phí mà ngân hàng được hưởng lên đến 40% trên tổng tiền phí bảo hiểm năm đầu, trong đó bản thân nhân viên được 10%, giám đốc chi nhánh 4%.
"Chẳng hạn khách hàng mua phí bảo hiểm là 15 triệu đồng một năm thì hoa hồng dành cho ngân hàng khoảng 6 triệu, trong đó nhân viên tín dụng được hưởng 1,5 triệu đồng, giám đốc chi nhánh 600.000 đồng", Nam nói và cho biết, để hưởng được mức 10% này thì trong vòng ba tháng liên tục, tính bình quân mỗi tháng nhân viên phải đạt doanh số bán bảo hiểm tối thiểu 60 triệu đồng. Nếu dưới mức này thì coi như không được hưởng đồng nào, thậm chí xác định nguy cơ bị cho thôi việc.
Nam cho rằng, bán bảo hiểm có thêm thu nhập cũng tốt, nhưng cái mất lại quá lớn đối với những nhân viên tín dụng như cậu. Nhiều trường hợp khách hàng đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ rồi, nhưng vẫn bị "ép" mua thêm, nếu không sẽ chẳng được giải ngân hoặc phải chịu lãi suất tăng... khiến họ bức xúc và mất niềm tin vào ngân hàng.
"Có người không đồng ý đã chỉ thẳng mặt mình chửi là đồ lừa đảo rồi bỏ qua ngân hàng khác vay. Số khác vì cần tiền vay nên chấp nhận mua bảo hiểm cho xong thủ tục nhưng trong lòng họ rất hằn học. Những lúc đó, mình cảm thấy xấu hổ vô cùng", Nam nói.
Chưa hết, theo Nam việc bán bảo hiểm còn khiến cho nhân viên tín dụng mất rất nhiều công sức cũng như chi phí đi lại. Nam kể có trường hợp khách hàng vay 5 tỷ đồng (theo quy định bất thành văn tại ngân hàng cậu thì khách phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá tối thiểu 4%, tương đương 200 triệu đồng), nhưng khổ nỗi họ đã có hai hợp đồng bảo hiểm rồi nên từ chối mua. Tuy nhiên, vị giám đốc chi nhánh của Nam cứ ép cậu phải đến gặp thường xuyên để thuyết phục khách mua bảo hiểm cho bằng được mới thôi. Do đây là khách VIP nên tất nhiên là không dám dùng "chiêu trò" ép lãi suất cao hay là dọa không giải ngân mà phải dùng giải pháp năn nỉ.
"Sau hàng chục lần chạy tới lui thuyết phục, vừa tốn công sức, vừa tốn chi phí đi lại và không có thời gian để làm việc khác..., cuối cùng vị khách vẫn nhất quyết không mua", Nam chia sẻ.
Thành Hưng - nhân viên tín dụng có thâm niên 4 năm của một ngân hàng ở quận 1, TP HCM cũng tỏ ra ngán ngẩm khi nói đến bán bảo hiểm.
Hưng cho biết, ở ngân hàng mình, vì áp lực chỉ tiêu cũng như nguồn lợi mang về, ngân hàng yêu cầu nhân viên "dụ" khách hàng đóng phí bảo hiểm một năm để hoàn thành chỉ tiêu, được giải ngân và hưởng lãi suất ưu đãi. Qua năm thứ hai, có thể cắt hợp đồng bảo hiểm này vì trên thực tế, các ngân hàng chỉ được hưởng hoa hồng bảo hiểm trong năm đầu. Khi khách cắt hợp đồng bảo hiểm, cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm đều có lợi.
"Tự dưng có được vài chục triệu đồng một khách hàng, mỗi năm có hàng ngàn khách hàng vay, ngân hàng và công ty bảo hiểm bỗng dưng có được số tiền khủng và chỉ có khách là chịu thiệt", Hưng nói và cho biết thêm, nhiều khách hàng phải mua miễn cưỡng nên hầu như không nghe nhân viên bảo hiểm tư vấn cũng như không thèm nhận bản hợp đồng bảo hiểm về.
Hưng cho rằng, bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm tự nguyện, khi thấy cần thiết thì khách hàng sẽ tự đăng ký mua thay vì bị ép buộc. "Đang trong tình trạng phải đi vay tiền, nay lại bị ép mua bảo hiểm như thế, thử hỏi ai không bực bội", nhân viên này nhìn nhận.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Ngân hàng Quốc tế - VIB cho rằng, việc kết hợp bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua khá hiệu quả. Thông qua hoạt động này, ngân hàng mang về khoản lợi nhuận khả quan cũng như giúp nhân viên có thêm thu nhập.
Ông khẳng định ngân hàng không ép chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên. "Có thể một số nhân viên muốn có thêm thu nhập nên nghĩ ra những phương pháp tiếp cận khách hàng không đúng. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, trường hợp nào làm sai sẽ xử lý", ông nói và cho biết mỗi khách hàng mua bảo hiểm đều có chuyên gia về bảo hiểm gặp tư vấn rõ ràng trước khi ký và việc mua hay không đều là sự tự nguyện của khách.
Lãnh đạo TPBank cũng cho biết sự kết hợp phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng thời gian qua là rất hiệu quả. Tuy nhiên, ông thừa nhận trong thực tế triển khai có thể phát sinh những trường hợp không đúng với chủ trương của ban lãnh đạo. "Chúng tôi sẽ kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy định bán bảo hiểm để đảm bảo việc mua bán là hoàn toàn tự nguyện giữa khách hàng với ngân hàng", ông nói.
Thực tế thời gian qua, để có khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã liên kết với ngân hàng nhằm triển khai các gói bảo hiểm. Đây cũng là một hướng đi mới của bảo hiểm nhân thọ.
Lãnh đạo công ty bảo hiểm Metlife chia sẻ, mục tiêu hướng tới của sự hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm rất tốt, đem tới cho khách hàng những giá trị lợi ích tối ưu thông qua các sản phẩm và dịch vụ. "Hiện giờ, doanh thu phí của công ty gần như 100% thông qua kênh của BIDV", ông nói.
Tuy nhiên, thực tế liên minh ngân hàng - bảo hiểm do quá trình triển khai còn nhiều méo mó đã khiến cho khách hàng, hay ngay cả nhân viên ngân hàng gặp không ít phiền muộn.
Lệ Chi