Ông Đậu Anh Tuấn (bên trái): “Có nhiều quy định làm khó cho các doanh nghiệp”. TS Nguyễn Đình Cung: “Lợi ích lớn mà quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách”. Ảnh: CHÂN LUẬN
Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 26-12 có rất nhiều chủ đề liên quan đến môi trường kinh doanh. Nổi bật nhất vẫn là đề cập đến sự can thiệp của Nhà nước vào việc phân bổ nguồn lực, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Gà, heo ở diện tích rộng hơn chỗ người ở
Luật Quy hoạch đã đưa ra một nguyên tắc “cấm các cơ quan nhà nước ban hành các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể; ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ”.
Luật Quy hoạch cũng đã hạn chế các loại quy hoạch mà các cơ quan nhà nước được phép ban hành.
Tuy vậy, báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” cho hay: “Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2019, một số trường hợp vẫn vi phạm các nguyên tắc này”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI , cho biết: Năm 2019, trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT quy định về mật độ chăn nuôi cho các vùng trên cả nước ở phần phụ lục. Bản chất quy định này được hiểu là sẽ giới hạn số lượng bao nhiêu con heo, bao nhiêu con gà được nuôi tại mỗi đơn vị hành chính.
“Quy hoạch chăn nuôi trước đây chỉ mang tính tham khảo, định hướng thì quy định này mang tính bắt buộc thông qua việc cấp phép cho các trang trại phải phù hợp với mật độ chăn nuôi” - ông Tuấn nói và cho rằng đây là “sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường”.
Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương than phiền về quy định này bởi tỉnh sẽ không được phép mở thêm trang trại mới, trong khi tiềm năng phát triển kinh tế chăn nuôi vẫn còn rất lớn do ở đây rất thuận lợi về giao thông.
Các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng chỉ được phép nuôi tối đa 1.020 con heo (hoặc 458 con trâu hoặc 507 con bò thịt hoặc 250 con bò sữa/km2) và phải không được nuôi con nào khác.
“Thậm chí mức này rất thấp nếu so sánh với mật độ dân số Hà Nội năm 2019 là 2.398 người/km2, mật độ dân số quận Hoàn Kiếm là 33.662 người/km2” - báo cáo nêu.
Trên đây chỉ là một trường hợp tiêu biểu trong việc Nhà nước can thiệp quá sâu. Báo cáo của VCCI cho thấy Nhà nước vẫn chuộng sử dụng các biện pháp hành chính hơn là giải pháp thị trường.
Doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Luật Đầu tư đã bảo hộ mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh của DN bằng phụ lục 4 về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, việc cài cắm thêm các loại giấy phép con vẫn diễn ra.
Chẳng hạn, dịch vụ đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch tuy không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng Bộ VH-TT&DL lại ra Thông tư 06/2017, trong đó có quy định về các tiêu chí để xin phép cung cấp dịch vụ tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch. Cụ thể là phải có chuyên ngành đào tạo; đề án tổ chức thi, quy trình, cơ sở vật chất, hội đồng thi; lý lịch…
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay: Trong các đợt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc phải bãi bỏ hoặc cụ thể hóa các điều kiện kinh doanh chung chung, định tính. Đó là “DN phải có trang thiết bị phù hợp”, “người thực hiện phải có trình độ chuyên môn, nắm vững kiến thức...”, “có đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu”… đều phải bị loại bỏ.
Thế nhưng tình hình vẫn không chấm dứt. Chẳng hạn, Nghị định 10/2010 về hoạt động thông tin tín dụng yêu cầu DN phải có “phương án kinh doanh khả thi”. “Đây là quy định rất chung chung và không có cơ sở nào để cơ quan nhà nước có thể đánh giá phương án kinh doanh của DN là khả thi hay không khả thi” - ông Tuấn nói. Ông lý lẽ: “DN đã bỏ tiền kinh doanh thì họ là người nắm rõ nhất tính khả thi của phương án đầu tư kinh doanh, cơ quan nhà nước không cần thiết phải đánh giá lại”.
Các cơ quan nhà nước còn quy định trình độ của người đứng đầu DN (thường là người đại diện theo pháp luật hoặc giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT). Chẳng hạn, Luật Kế toán quy định người đứng đầu DN kinh doanh dịch vụ kế toán phải là kế toán viên hành nghề. Thế là các DN Doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan.
“Nếu tiếp tục kinh doanh dịch vụ kế toán thì phải phế truất giám đốc DN và đưa người phụ trách mảng dịch vụ kế toán lên làm giám đốc. Còn nếu không thì DN buộc phải từ bỏ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kế toán và sa thải toàn bộ nhân sự thuộc mảng này. Những quy định như thế này đã gây nhiều vấn đề vướng mắc, làm khó cho các DN kinh doanh đa ngành từ nhiều năm nay” - ông Tuấn nhận xét.
Kiến nghị thành lập tổ đặc nhiệm
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết để bảo vệ được quyền tự do kinh doanh, cần cho phép người dân và DN khởi kiện hủy bỏ quy định vi hiến, trái luật; để loại bỏ điều kiện với người đại diện theo pháp luật, cần bỏ quy định về người đại diện theo pháp luật như lâu nay là người đứng đầu DN, mà thay bằng cơ chế đại diện pháp lý.
“Việc này sẽ tránh được quy định về việc chủ tịch, giám đốc là người đại diện theo pháp luật buộc phải có trình độ, bằng cấp, chứng chỉ” - ông Đức giải thích.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng nhấn mạnh phải có cơ chế hạn chế các bộ ban hành thông tư để bảo đảm hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiên đoán. Cho dù là khó khăn cũng phải xây dựng cơ chế chỉ rõ trường hợp nào thì bộ được ban hành thông tư.
“Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng thành lập tổ đặc nhiệm, giao ít nhất một Phó Thủ tướng phụ trách, nếu Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thì càng tốt. Tổ đặc nhiệm sẽ rà soát và đề xuất sửa đổi đồng bộ các luật, chứ không giao về các bộ tự làm nữa. Lý do lập tổ đặc nhiệm là nếu để mỗi bộ tự chủ trì sửa luật của mình thì sẽ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, góc nhìn của ngành. Lợi ích lớn mà quản lý lại cục bộ thì rất khó cải cách” - TS Cung nói.
Chân Luận