Sáng nay (10/1), Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước năm 2019, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước năm 2020.
Siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó 7 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt).
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, (vượt mục tiêu đề ra là 6,6 - 6,8%); Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm tăng 2,79%, (dưới mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%); Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tăng 8,1%, (vượt mục tiêu đề ra là 7-8%) và Tổng kim ngạch XNK lần đầu tiên vượt mốc trên 517 tỷ USD.
Đóng góp vào những thành tựu, kết quả kinh tế - xã hội của đất nước nêu trên, có sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành Tài chính. “Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, toàn Ngành Tài chính đã đoàn kết, phấn đấu, quyết liệt triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra ngay từ đầu năm. Chủ động báo cáo và nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp, giải pháp quản lý, điều hành tài chính – NSNN, nhờ vậy Ngành Tài chính đã hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Theo Bộ Tài chính, thu cân đối NSNN đến ngày 31/12/2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (+9,79%) so dự toán. Thu ngân sách Trung ương vượt 32 nghìn tỷ đồng (+4%) so dự toán, thu ngân sách địa phương vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng (+17,7%) so dự toán; 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu ngân sách địa phương.
Năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ theo nguyên tắc vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường. Chỉ phát hành TPCP với kỳ hạn từ 5 năm trở lên (bao gồm kỳ hạn dài 20-30 năm). Nhờ vậy, kỳ hạn phát hành các năm 2018-2019 đã dài gấp 3 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,44 năm, nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ thời điểm cuối năm 2019 lên 7,42 năm; lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% bình quân năm 2011, xuống còn khoảng 4,51%/năm năm 2019.
Đồng thời, đã kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi NSNN thấp hơn mức Quốc hội quyết định; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2019, dư nợ công dưới 55% GDP, nợ Chính phủ dưới 48,5% GDP (trong đó: nợ trong nước chiếm 62,3%, nợ ngoài nước chiếm 37,7%).
Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 3,44% GDP
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, bước sang năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030, cũng là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều nội dung. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ...
Phấn đấu tăng thu NSNN năm 2020 trên 3% so với dự toán Quốc hội quyết định. Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 3,44% GDP, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để giảm bội chi NSNN. Tăng cường phối hợp trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, điều hành ngân quỹ nhà nước và cân đối ngoại tệ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu đến cuối năm 2020, dư nợ công không quá 54,3%GDP, nợ Chính phủ không quá 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45,5% GDP. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Minh Ngọc