Những ngày này, cùng với việc cung ứng nông sản cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm và siêu thị truyền thống, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, có trụ sở tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh còn tăng cường hình thức kinh doanh qua mạng để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, dù nông sản là mặt hàng thiết yếu nhưng dịch Covid-19 đã khiến nhiều đối tác trực tiếp tiêu thụ nông sản là các bếp ăn, trường học phải đóng cửa; sản phẩm tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp. Vì vậy việc đẩy mạnh mua bán online đã tháo gỡ một phần khó khăn cho Công ty Hải Phong trong những ngày thực hiện giãn cách toàn xã hội.
“Thời gian này chúng tôi tập trung phát triển thêm kênh bán online. Trong mùa dịch mọi người cũng hạn chế ra ngoài, vậy nên không chỉ thực phẩm sạch mà các mặt hàng khác hệ thống online phát triển rất tốt”, chị Nguyễn Thị Trâm nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nắm bắt tâm lý hạn chế ra đường của người tiêu dùng, thời điểm này không ít cửa hàng, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đã thay đổi cách thức bán hàng hoặc đẩy mạnh hình thức bán hàng online để phục vụ khách hàng.
Trên trang facebook “HTX Thanh niên Như Cố”, kênh bán hàng chính thức của một HTX sản xuất nông sản ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn liên tục đăng tải các bài quảng cáo sản phẩm như: mật ong hoa rừng, dưa lê Như Cố, bún khô Bắc Kạn…gửi kèm các đường link dẫn sang các kênh bán hàng khác của HTX.
Anh Lương Đình Hùng, Giám đốc HTX chia sẻ, kênh bán hàng online đã giúp HTX tiếp cận được với nhiều khách hàng mới, đặc biệt phát huy hiệu quả trong mùa dịch.
“Hiện nay, chúng tôi giải quyết đầu ra chủ yếu bằng bán qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Một kênh nữa là chúng tôi bán qua các website để quảng bá rộng rãi hơn về các sản phẩm của mình”, anh Lương Đình Hùng cho hay.
Mặc dù không ít hộ sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thời điểm này cũng là cơ hội để kiện toàn hệ thống kinh doanh online. Tuy nhiên, để bán được nông sản trên các kênh online không phải điều dễ dàng, đòi hỏi các nhà cung cấp phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, đầu tư chỉn chu về mẫu mã, bao bì, hình ảnh quảng cáo mới thu hút và giữ chân được khách hàng mua bán thông qua các giao dịch online.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: “Để kinh doanh tốt trên internet, nông sản cũng phải đáp ứng được quy chuẩn chung, làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng sản phẩm một cách ổn định. Bởi nông sản luôn được người tiêu dùng định vị là sản phẩm thời gian sử dụng không lâu, bởi vậy, nông sản vượt qua rào cản thời gian sử dụng và những quy chuẩn về mặt chất lượng thì uy tín của người bán mới được phổ biến rộng rãi trên internet”.
Bán nông sản trực tuyến và giao hàng tận nơi đang có xu hướng phát triển trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội. Loại hình này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản online không chỉ phát huy hiệu quả trong mùa dịch mà chính là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay./.
Hương Giang/VOV1