"Novaland cầu cứu để tránh nợ xấu 50.000 tỷ": Những chủ nợ nào lớn nhất?

"Novaland cầu cứu để tránh nợ xấu 50.000 tỷ": Những chủ nợ nào lớn nhất?
Novaland vừa cầu cứu Bộ Xây dựng để tránh tiềm ẩn nợ xấu 50.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng. Vậy ngân hàng nào đang là chủ nợ lớn nhất?
Novaland vừa cầu cứu Bộ Xây dựng để tránh tiềm ẩn nợ xấu 50.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng. Vậy ngân hàng nào đang là chủ nợ lớn nhất?
Novaland vừa cầu cứu Bộ Xây dựng để tránh tiềm ẩn nợ xấu 50.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng. Vậy ngân hàng nào đang là chủ nợ lớn nhất?

Tổng vay dài hạn 12.948,9 tỷ đồng, gấp 3 lần con số của 2018

Theo thông báo mới nhất ngày 13/12/2019 của CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland), khoản vay gần đây nhất của doanh nghiệp này lên tới 100 triệu đô la Mỹ từ Credit Suisse AG, chi nhánh tại Singapore và các bên cho vay hợp vốn khác. Trước đó, Novaland đã là “con nợ” của rất nhiều ngân hàng và định chế tài chính trong và ngoài nước.

Cụ thể, đến 31/12/2019, công ty có tổng nợ ngắn hạn hơn 7.600 tỷ đồng (giảm mạnh so với cuối năm 2018). Trong đó, nợ vay ngân hàng gần 1.600 tỷ đồng; Nợ các nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu gần 2.000 tỷ đồng; Nợ do vay từ bên thứ ba hơn 3.700 tỷ đồng; Vay bên liên quan 384,2 tỷ đồng.

Trong khoản vay ngắn hạn ngân hàng, đến 31/12/2019 Novaland là “con nợ” của 8 ngân hàng sau khi trả được một số khoản nợ với các ngân hàng khác.

Cụ thể, Novaland vay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 816,8 tỷ đồng (đây là khoản vay mới phát sinh trong năm 2019). Theo thông tin từ Novaland, khoản vay này nằm trong tổng số hợp đồng vay 2.600 tỷ đồng, thời hạn 36-48 tháng. Tại ngày 31/12/2019, khoản vay có dư nợ 2.600 tỷ đồng và được đảm bảo bằng cổ phần và vốn góp của công ty con, công ty liên kết và quyền tài sản phát sinh từ việc dền bù giải tỏa đất tại quận 2, TP.HCM.

Đến 31/12/2019, Novaland còn có một khoản vay khác với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là 142,5 tỷ đồng. Đây là một phần khoản vay mà cuối năm 2018 là 190 tỷ đồng và đã giảm bớt trong năm 2019.

Ngoài Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, đến cuối 2019 Novaland còn nợ một số ngân hàng: Ngân hàng TNHH thương mại và công nghiệp Trung Quốc – Chi nhánh Hà Nội 118 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín hơn 174,2 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kiên Long 67,3 tỷ đồng, Deutshe Investitions-und Entwicklungsgesellchaft mbH hơn 33,1 tỷ đồng...

Các khoản vay này được đảm bảo bằng tiền gửi tại ngân hàng, quyền sử dụng đất, vốn góp của công ty tại các công ty con, công ty liên kết hay cổ phiếu của công ty do các cổ đông sở hữu, một phần bãi đậu xe hay Tropic 1 hay một phần khu thương mại của ba dự án Sunrise City.

Trong các khoản đã được thanh toán năm 2019, đáng chú ý có một khoản vay ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 444,1 tỷ đồng (tính đến 31/12/2018) theo hợp đồng tín dụng hạn mức 3.400 tỷ đồng , thời hạn 48 tháng kể từ 3/8/2016 được Novaland thế chấp bằng tổng giá trị tài sản hình thành trong tương lai của dự án Bình Khánh. Khoản vay này đến ngày 31/12/2019 được Novaland thanh toán trước hạn.

Về vay dài hạn, ngoài khoản vay Credit Suisse AG như đề cập ở trên, Novaland còn nợ dài hạn các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 2.810,5 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín 1.653 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam 1.180 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kiên Long 250,2 tỷ đồng, Ngân hàng TPCM Phương Đông. Tổng cộng các khoản vay dài hạn tính đến 31/12/2019 lên tới 12.948,9 tỷ đồng, gấp 3 lần con số của 2018.

Các khoản vay dài này cũng được thế chấp bởi tiền gửi ngân hàng, vốn góp tại các công ty con, các bất động sản và quyền tài sản thuộc dự án tại xã Long Hưng, Biên Hòa (Đồng Nai), dự án Sunrise City South, cổ phần của công ty do cổ đông sở hữu và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án Ibis Vũng Tàu…

Đối với các khoản nợ từ phát hành trái phiếu cả ngắn và dài hạn (12.935 tỷ đồng), trái chủ sở hữu các trái phiếu của Novaland phần lớn cũng là các ngân hàng: Ngân hàng New York Mellon (5.549,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (1.700 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (146 tỷ đồng), Tổng CTCP Bảo hiểm ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (100 tỷ đồng), Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (100 tỷ đồng), Tập đoàn Bảo Việt (200 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (700 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (2.330 tỷ đồng), CTCP chứng khoán MB (410 tỷ đồng)…

Chi phí lãi vay tăng, doanh thu giảm mạnh

Hầu hết các khoản vay qua phát hành trái phiếu đều được Novaland thế chấp bằng cổ phần do các cổ đông sở hữu.

Được biết, kết thúc năm 2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland giảm mạnh so với 2018 từ 15.290 tỷ đồng còn 10.930 tỷ đồng. Do vay vốn nhiều, chi phí lãi vay trong năm 2019 tăng lên trên 1.153 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2019 lợi nhuận kế toán trước thuế của công ty giảm nhẹ so với 2018, còn 4.265 tỷ đồng; Tồn kho đến cuối 2019 57.210,3 tỷ đồng, gần gấp đôi với cuối 2018.

Kết thúc kỳ năm 2019, Công ty có 1,5 tỷ tiền mặt; Tiền gửi ngân hàng gần 1.950 tỷ đồng (giảm mạnh so với cuối 2018 là hơn 7.582 tỷ đồng); Và các khoản tương đương tiền (tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn) là hơn 4.562 tỷ đồng (giảm nhẹ so với cuối 2018 là 4.731 tỷ đồng).

Công ty cho biết, tại ngày 31/12/2019, tiền và các khoản tương đương tiền nói trên được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và bảo lãnh gần 761,6 tỷ đồng; Tiền đang được quản lý bởi ngân hàng cho vay theo mục đích sử dụng cho từng dự án là 304 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 25/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán), Novaland đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ Xây dựng cầu cứu.

Trong đơn, Novaland khẩn cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Công ty thành viên của Novaland do Novaland chuyển nhượng lại cổ phần) được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư tại khu đất 30,224 ha, phường Bình Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh vì dự án đã đủ điều kiện bán hàng.

Trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Novaland cũng nêu việc hỗ trợ trên “để tránh những hệ lụy xấu không thể nào cứu vãn được nếu cổ phiếu của Novaland mất tính thanh khoản như: Gây nợ xấu gần 50.000 tỷ cho hệ thống ngân hàng; Gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà, đòi lấy lại tiền, mất an ninh trật tự thành phố, gây kiện tụng quốc tế dây chuyền phức tạp, mất công ăn việc làm…”

C.Sơn

Tags: Novaland Nợ Xấu Ngân Hàng Tnhh Thương Mại Và Công Nghiệp Trung Quốc Credit Suisse Ag Ngân Hàng Tmcp Đại Chúng Việt Nam Tập Đoàn Bảo Việt Ngân Hàng Tmcp Quân Đội Ctcp Chứng Khoán Mb