Đại gia Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984, rất nổi tiếng với loạt thương vụ M&A đình đám
Sau 3 phiên diễn biến bất lợi, cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) cũng đã kết phiên 10/1 với mức tăng 0,25% lên 19.700 đồng.
GEX hồi phục sau thông tin Gelex đã phát hành riêng lẻ thành công 1.150 tỷ đồng trái phiếu (loại trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6,95%/năm).
Trái phiếu được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF (Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng), một quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Toàn bộ số tiền thu được, Gelex dự kiến sẽ dùng cho các dự án năng lượng tái tạo đã và đang được triển khai của Tổng Công ty như nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận, điện gió Hướng Phùng 2 và 3.
Doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Văn Tuấn định hướng huy động vốn vay dài hạn và lãi suất cố định cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu rủi ro biến động lãi suất và cố định được hiệu quả của các dự án hạ tầng.
Hôm qua (10/1), thị trường đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức tăng 8,39 điểm của VN-Index tương ứng 0,87% lên 968,54 điểm. HNX-Index tăng 0,97 điểm tương ứng 0,96% lên 102,22 điểm và UPCoM-Index tăng 0,38 điểm tương ứng 0,69% lên 55,56 điểm.
Thanh khoản có phần cải thiện. Nếu khối lượng giao dịch trên HSX đạt 222,15 triệu cổ phiếu tương ứng 4.996,82 tỷ đồng thì con số này trên HNX là 32,25 triệu cổ phiếu tương ứng 309,33 tỷ đồng. Thị trường UPCoM cũng có 11,06 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 91,57 tỷ đồng.
Tuy vậy, về mặt số liệu, thị trường vẫn đang trong trạng thái giằng co: Có 328 mã giảm, 61 mã giảm sàn, có phần nhỉnh hơn so với 301 mã tăng và 45 mã tăng trần. Điều này cũng cho thấy rõ ràng sự tăng mạnh của các chỉ số là do ảnh hưởng từ nhóm bluechips.
Hôm qua, SAB tăng mạnh 6.500 đồng lên 233.500 đồng/cổ phiếu. PNJ tăng 2.300 đồng; BID tăng 1.650 đồng; VHM tăng 1.200 đồng; CTG tăng 1.100 đồng; VCB tăng 800 đồng. Bên cạnh đó, GAS cũng hồi phục 700 đồng, VNM, VIC, TCB đều tăng giá.
Chiều ngược lại, MSN, BHN giảm giá, ROS giảm sàn. Mức giá tại ROS hiện chỉ còn 12.150 đồng/cổ phiếu. Hôm qua mã này khớp lệnh 4,89 triệu đơn vị nhưng cuối phiên vẫn còn dư bán sàn hơn 940 nghìn cổ phiếu, không hề có dư mua.
Dù vậy, ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu giảm lại rất khiếm tốn, còn mức độ ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu tăng lại đáng kể. BID đóng góp 1,93 điểm cho VN-Index. Tác động của SAB là 1,21 điểm; của CTG là 1,19 điểm; của VHM là 1,2 điểm, của VCB là 0,86 điểm…
Nhìn chung, thống kê của BVSC cho thấy, tuần qua, VN-Index đã có 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm điểm, tăng 3,40 điểm tương đương 0,35% so với cuối tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 0,17 điểm tương đương 0,17%.
Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là BID, CTG và SAB khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 5,39, 2,44 và 1,66 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là VHM, HVN và PLX khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,69, 0,62 và 0,53 điểm.
Cả khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên tuần qua trên sàn HSX đều tăng, mức tăng lần lượt là 11,30% và 29,01% lên 205,26 triệu cổ phiếu và 4.111 tỷ đồng mỗi phiên.
BVSC dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục tiến đến thử thách vùng kháng cự 970-972 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Đây là ngưỡng cản quan trọng đối với xu hướng kế tiếp của thị trường trong ngắn hạn.
Do đó, nhóm phân tích lo ngại rằng chỉ số có thể gặp phải áp lực rung lắc điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự này.
Diễn biến thị trường tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển luân phiên để tìm kiếm lợi nhuận ở các nhóm cổ phiếu trong giai đoạn này.
Về mặt xu hướng thị trường trong thời gian tới, chỉ số vẫn cần bứt phá thành công qua vùng kháng cự quanh trọng 970-972 điểm để bước vào nhịp tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 980-985 điểm trong thời gian tới.
Mai Chi