TT Donald Trump vừa đưa ra bình luận tích cực về xung đột ở Trung Đông, tạm thời những căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phát biểu này phần nào giảm nhẹ bóng ma bất ổn leo thang, chứng khoán thị trường châu Á Thái Bình Dương lập tức chứng kiến sự hồi phục trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 9/1. Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,9%, khôi phục những tốt thất cho nhà đầu tư ở phiên trước. Chỉ số Topix cũng tăng thêm 1,47%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,17%, trong khi chỉ số Hang Seng, Hong Kong tăng 1,2%. Chỉ số ASX 200, Australia tăng 0,9% với lực đẩy đến từ tỷ số tài chính, tăng tới 0,77%.
Thị trường Trung Quốc đại lục cũng chứng kiến các giao dịch được tăng cường: Chỉ số Composite Thượng Hải tăng 0,69% sau nửa giờ giao dịch đầu tiên, Composite Thâm Quyến tăng 1,46% và chỉ số thị trường Thâm Quyến tăng 1,48%.
Chuyên gia kinh tế Huani Zhu thuộc Ngân hàng Mizuho nhận định: “Với các động thái cải thiện, người tham gia thị trường vẫn nương vào các kênh trú ẩn an toàn, tăng cường bán tháo trái phiếu. Hiện Mỹ và Iran lần lượt tung ra các biện pháp trả đũa, chúng tôi cho rằng việc leo thang vũ lực sẽ không mang lại lợi ích cho bên nào”.
Trong phiên giao dịch trước đó, loạt cổ phiếu trên thị trường châu Á bị bán tháo sau khi Iran phóng hơn chục tên lửa đạn đạo vào các căn cứ quân sự do Mỹ đứng đầu ở Iraq. Đây là hành động hiện thức hóa lời hứa trả thù việc Mỹ ám sát tư lệnh cấp cao Qasem Soleimani hôm 2/1 ở Baghdad.
Tuy nhiên, trong lời phát biểu sáng 8/1, TT Trump khẳng định Iran đã phải “nhún mình”, nói thêm rằng Mỹ vẫn “sẽ sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung với Iran”.
Bình luận của TT Trump đã phần nào lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư, chứng khoán Mỹ cũng hồi phục sau 1 đêm. “Động lực khôi phục thị trường chính là động thái trì hoãn của TT Trump trước vụ tấn công tên lửa ngày hôm qua (8/1), điều này cho thấy tổng thống Mỹ đang hành động thận trọng hơn so với lời nói của mình trong các tweet trước đó”, theo ý kiến của Tapas Tapas Strickland, Giám đốc kinh tế và thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia.
Vị này cũng cho rằng thị trường lẽ ra đã dần ổn định kể từ cú sốc bán tháo trên thị trường do bất ổn từ vụ ám sát tướng Iran tuần trước. Tuy nhiên, vụ tấn công bất ngờ của Iran vào các khu vực ở thủ đô Baghdad của Iraq, bao gồm cả Vùng Xanh có Đại sứ quán Mỹ và các nước phương Tây cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khiến thị trường chao đảo.
Giá dầu hạ nhiệt và giảm xuống 5% sau một đêm sau lời phát biểu của TT Trump. Trước đó, giá dầu đã tăng tới 4% sau vụ tấn công của Iran.
Các chuyên gia phân tích của Eurasia Group chỉ ra một nguy cơ tiềm tàng với thị trường dầu mỏ thế giới nếu Iraq mắc kẹt trong xung đột vũ trang giữa Washington và Tehran. Điều này đồng nghĩa rằng nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC có nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Iraq cũng nằm trong số ít các quốc gia vẫn duy trì được đà tăng trong sản xuất dầu mỏ thời gian qua.
Trong phiên giao dịch sáng 9/1, chỉ số tương lai dầu thô của Mỹ đã tăng 0,96% lên mức 60,18 USD/thùng lúc 10h. Chỉ số dầu Brent chuẩn cũng tăng thêm 0,79% lên 65,96 USD.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Eurasisa vẫn quan ngại rằng: “Dù mối đe dọa xung đột Mỹ - Iran có tạm thời lắng xuống, một loạt các nhân tố thuộc lực cung - cầu sẽ cộng hưởng với một số chi phí từ rủi ro địa chính trị khu vực (Trung Đông, Bắc Phi) khiến giá dầu Brent vẫn dao động trong khoảng 65-75 USD”.
Đồng USD có dấu hiệu tăng giá so với các đồng tiền khác, chỉ số giá đồng bạc xanh được giao dịch gần nhất ở mức 97.259, tăng lên từ mức 96.818 phiên trước đó.
Trong số các loại tiền tệ khác, đồng yên Nhật giảm giá so với đồng USD và đang giao dịch ở mức 109,2 yên đổi 1 USD sau khi tăng mạnh lên mức khoảng 107,63 yên trong phiên trước đó.
Giá vàng vẫn duy trì đà bùng nổ của mình, vàng giao ngay tăng thêm 0,27% lên mức 1,559.91 USD/ounce. Vàng kỳ hạn giao tháng 2 được yết giá nhỉnh hơn một chút ở mức 1.561 USD.
An Chi