Việt Nam đã ký kết các FTA với hầu hết các khu vực và nền kinh tế lớn trên thế giới. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký CPTPP, và trong thời gian tới nhiều khả năng EVFTA sẽ được phê chuẩn.
Nếu nhìn thực tế trong những năm gần đây, đặc biệt là 2 năm qua, DN Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội, lợi thế từ các FTA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ khiến tăng trưởng xuất khẩu giảm. Đây có phải là do nội lực của DN nước ta hay là chúng ta ký nhiều FTA quá nên công tác tuyên truyền, phổ biến về các cơ hội do các FTA mang lại chưa rộng rãi hay nguyên nhân từ đâu?
Tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam, GS. Võ Đại Lược cho rằng, hiện nay, với việc ký 16 hiệp định thương mại tự do, có thể xem như chúng ta nằm trong số ít quốc gia trên thế giới ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhất. Vấn đề đặt ra là khi ký các FTA sẽ đặt chúng ta vào thế cạnh tranh toàn cầu.
"Đã là cạnh tranh toàn cầu thì Chính phủ Việt Nam phải đối diện với các Chính phủ khác. Tất cả hệ thống DN cũng phải cạnh tranh với DN toàn cầu. Có nghĩa kể cả hệ thống thể chế của chúng ta cũng phải đối diện với toàn cầu. Nếu DN của VN sức cạnh tranh kém thì thua họ. Tôi cho rằng hiện nay lợi thế cạnh tranh của chúng ta xét về mặt nội lực còn nhiều vấn đề", GS. Võ Đại Lược nhìn nhận.
Theo vị giáo sư này, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, nếu không như hiện nay xem như chúng ta ký FTA đến đâu thì các DN FDI chiếm lĩnh cả vì 70% xuất khẩu đến từ FDI. Chúng ta càng mở cửa thì các FDI càng vào nhiều để xuất khẩu các quốc gia đó. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu của DN của Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ thấp.
Để cải thiện vấn đề này, GS. Võ Đại Lược đề xuất, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đặc biệt khuyến khích các DN tư nhân Việt Nam để họ lớn mạnh.
"Một trong những giải pháp quan trọng nhất là Chính phủ xem xét lại những DNNN nào cần cổ phần hóa (CPH) thì tiến hành theo nghị quyết đã có. Thực tế cho thấy, việc thực hiện nghị quyết CPH DNNN được rất ít. CPH theo hướng hiện nay là các DNNN đều muốn giữ cổ phần chi phối mà nếu CPH theo định hướng các DNNN giữ cổ phần chi phối thì thà không CPH còn hơn. Giải pháp quan trọng nhất để phát triển khu vực tư nhân Việt Nam là DNNN CPH nhưng ưu tiên cho khu vực tư nhân trong nước chứ không phải ưu tiên cho khu vực tư nhân nước ngoài. Như vậy, nó sẽ thúc đẩy các DN tư nhân Việt Nam phát triển", ông Võ Đại Lược đề xuất.
"Còn nếu chúng ta CPH theo kiểu bán trên thị trường chứng khoán hiện nay thì DN nước ngoài mua hết. Do vậy, tôi kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có chính sách đặc biệt, có nghị quyết, nghị định đặc biệt về phát triển DN tư nhân Việt Nam. Cần xem các nước phát triển đối xử với DN tư nhân như thế nào, từ đó đưa ra giải pháp thích hợp cho mình", ông nhấn mạnh.
Đề cập tới cơ hội giữa các DN tư nhân trong nước và các DN FDI tại Việt Nam trong bối cảnh nước ta mở cửa, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, để tận dụng cơ hội không phải là tuyên truyền những hiệp định đó, cũng không phải đào tạo cho DN về nội dung các FTA.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, lý do các DN Việt Nam không tận dụng được cơ hội từ các FTA là bởi vì họ đã bị gò bó quá, bị cản trở nhiều và họ chỉ lo đối phó với những rào cản đó để tồn tại chứ chưa nghĩ đến xa hơn là tận dụng cạnh tranh toàn cầu...
"Do đó, một tư tưởng mới về khuyến khích kinh tế tư nhân phải rõ, phải thể hiện được trong luật lệ. Không thể duy trì kiểu tư duy rằng Nhà nước năng lực đến đâu thì cho người dân làm đến đó. Tư tưởng mới phải là quản lý Nhà nước vì và phục vụ sự phát triển theo yêu cầu phát triển. Phải bỏ cách quản lý theo lối làm theo quy định. Còn nếu như cứ đặt ra quy định và làm theo quy định và nếu không có quy định thì không được làm thì là sai, theo đó không tận dụng được cơ hội. Cơ hội đòi hỏi sự sáng tạo của người dân và DN", ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trên thực tế có hàng trăm, hàng triệu cách làm sai quy định. Nếu làm được như vậy sẽ vừa khuyến khích được phát triển kinh tế tư nhân cũng như tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định, nếu không vẫn là các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được hưởng lợi...
Nguyệt Minh