Các cổ phiếu tại thị trường châu Á tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 6/2 khi các nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về tác động từ việc bùng phát virus corona tại Trung Quốc và lan rộng sang nhiều nước.
Chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu đà phục hồi mạnh trên thị trường châu Á với chỉ số Nikkei 225 tăng 1,83% và chỉ số Topix nhích 1,73%.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng leo dốc 1,71% khi cổ phiếu của Hyundai Motor nhảy vọt hơn 4%.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,2%. Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số tổng hợp Thượng Hải cộng 0,2%, trong khi chỉ số tổng hợp Thâm Quyến tăng 0,461%. Chỉ số thành phần Thâm Quyến cũng nhích 0,2%.
Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia cộng khoảng 0,7%.
Chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản tăng hơn 0,84%.
Diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán châu Á bất chấp dịch bệnh viêm phối cấp do virus corona lan rộng và đe dọa nền kinh tế Trung Quốc có được chủ yếu nhờ các báo cáo chưa được xác nhận về những đột phá trong việc phát triển một loại thuốc điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên mức 98,295 điểm, sau khi giảm về còn 97,9 điểm trong phiên trước đó.
Đồng yen Nhật hiện được giao dịch ở mức 1 USD đổi 109,82 yen sau khi giảm còn 109,5 trong phiên ngày 5/2.
Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong phiên 5/2, đưa S&P 500 trở lại mức cao kỷ lục thiết lập được trước khi xuất hiện những lo sợ liên quan đến virus corona.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/2, chỉ số S&P 500 tiến 1,1% lên 3.334.69 điểm, dẫn đầu bởi đà tăng mạnh của các lĩnh vực y tế, năng lượng và tài chính. Đà tăng đó đã thúc đẩy S&P 500 tiến lên mức đóng cửa cao kỷ lục. Chỉ số này cũng xóa sạch đà sụt giảm do lo ngại về virus corona.
Có thời điểm, S&P 500 sụt tới 3,1% do lo ngại về sự lây lan nhanh của virus corona. Chỉ số này cũng chứng kiến sự biến động trong bối cảnh lo lắng về dịch bệnh, ghi nhận phiên giảm ít nhất 1% đầu tiên trong 2 tuần qua. Trước đó, S&P 500 đã đi qua 74 phiên mà không có sự thay đổi lớn như vậy.
Chỉ số Dow Jones nhảy vọt 483,22 điểm (tương đương 1,7%) lên 29.290,85 trong phiên này.
Vào đầu phiên ngày 5/2, Reuters đưa tin một cơ quan truyền thông Trung Quốc cho hay một nhóm nghiên cứu ở Đại học Chiết Giang đã tìm ra một loại thuốc hữu hiệu để điều trị cho người nhiễm virus corona mới. Các cơ quan thông tấn, dẫn lời từ các nhà đầu tư, cho rằng đây là lý do cho động thái tăng điểm của chứng khoán.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một tuyên bố: “Không có phương pháp trị liệu hiệu quả nào được biết đến đối với virus 2019-nCoV”.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tụt lại so với Dow Jones và S&P 500, nhích 0.4% lên 9,508.68 điểm sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước đó. Cổ phiếu Tesla “bay” hơn 17% và ghi nhận phiên tồi tệ thứ 2 từ trước đến nay. Cổ phiếu Tesla sụt giảm sau khi các chuyên gia phân tích Phố Wall kêu gọi thận trọng xung quanh đà leo dốc của cổ phiếu này. Cổ phiếu Tesla đã bứt phá hơn 80% trong năm 2020 bất chấp đà sụt giảm trong ngày thứ Tư.
Bên cạnh đó, thị trường cũng nhận được hỗ trợ sau khi báo cáo việc làm quốc gia ADP và Moody’s Analytics cho biết khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 291.000 việc làm trong tháng 1, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 150.000 việc làm và đánh dấu tháng tăng lớn nhất trong gần 5 năm.
Nguyễn Thu