Theo ông Bùi Đức Thụ, dịch bệnh do nCoV đã tác động xấu đến nền kinh tế. Để phát triển kinh tế trong tình hình này cần nhận diện rõ tác động, các nguy cơ xấu đối với các hoạt động kinh tế để trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp. Đã 3 năm qua chúng ta xuất siêu nhưng trong tháng đầu năm 2020, ta đã trở lại nhập siêu. Nếu như xử lý không tốt, quy mô nhập siêu của Việt Nam sẽ có xu hướng tăng và tác động xấu đến tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát, ổn định yếu tố kinh tế vĩ mô.
PV: Muốn vậy các ngành, lĩnh vực phải chủ động xây dựng những kịch bản để đối phó, gắn với đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thưa ông?
Ông BÙI ĐỨC THỤ: Kịch bản dựa trên cơ sở đánh giá tác động hiện tại và diễn biến của nCoV. Cụ thể, ngành công thương phải tính đến không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà cần quan tâm tìm kiếm các thị trường khác cũng như phương thức xuất khẩu mới. Khi đang diễn ra dịch nCoV, ngành nông nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất cùng các giải pháp kỹ thuật. Ngân hàng cần căn cứ vào các ngành, lĩnh vực địa bàn chịu tác động nhiều do nCoV, từ đó nhận diện tác động đến doanh nghiệp, người dân trong sản xuất kinh doanh như ngành hàng nào? Mức độ bao nhiêu? Và những ngành hàng đó ảnh hưởng do lãi vay vốn như thế nào để có thể khoanh lại, có các hình thức hỗ trợ khác để tiếp tục cấp vốn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thời hạn thu hồi nợ cũng cần tính đến cho phù hợp…
Ông có cho rằng trong lúc này cần có những giải pháp để hỗ trợ đối với những đối tượng bị ảnh hưởng do nCoV gây ra, từ đó mới phát triển sản xuất?
-Trước tác động toàn diện của nCoV đối với kinh tế thì cần tập trung vào những giải pháp mang tính toàn diện, tổng hợp, trong đó các bộ, ngành, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp đồng bộ nhưng cần hướng vào hai việc. Thứ nhất, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thứ hai là có nhóm giải pháp hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh chịu sự tác động từ nCoV để họ có thể tồn tại, phục hồi, và phát triển. Hiện Chính phủ đã nhận diện rõ các vấn đề trên. Vấn đề còn lại là sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của các bộ, ngành, có giải pháp cụ thể ở từng đơn vị, lĩnh vực để sớm ổn định sản xuất kinh doanh, dập tắt nCoV.
Ở góc độ vĩ mô, theo ông Chính phủ cần quan tâm đến những nhóm giải pháp nào trong chỉ đạo, điều hành?
-Theo tôi, trên cơ sở nhận diện rõ các tác động đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, sẽ có giải pháp thích ứng. Vừa qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xem xét, bắt đầu khoanh, giãn nợ, giảm thời hạn thu hồi vốn để hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp duy trì sản xuất, không để dẫn đến đổ vỡ lớn. Tôi cho rằng đó là cách làm hay.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.Vũ (thực hiện)