Khép lại phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu ITA đã bao trùm sắc tím với thanh khoản đột biến hơn 15 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Đây là thanh khoản cổ phiếu cao nhất trong ngành bất động sản khu công nghiệp. Sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu ITA đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Bởi vì, giá cổ phiếu ITA đã nằm đáy suốt nhiều năm qua.
Sở dĩ cổ phiếu ITA bật tăng nhờ kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp này trong quý 1/2020. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 94 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tăng mạnh 76% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán giảm 16% nên lợi nhuận gộp đạt 51,7 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 1/2019.
Trong kỳ, ITA có 1,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng đáng kể so với con số 128 triệu đồng cùng kỳ; chi phí tài chính giảm 38%; chi phí bán hàng giảm mạnh từ 3,3 tỷ đồng xuống còn 274 triệu đồng. Đặc biệt, ITA còn ghi nhận 2,2 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác, nên lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với quý 1/2019.
Trước đó kết thúc năm 2019, ITA ghi nhận năm có lợi nhuận cao nhất kể từ 2011 nhờ ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.306,6 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 420,3 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2018. Sau khi trừ các khoản chi phí, ITA lãi ròng 206 tỷ đồng, tăng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 203 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía sau con số lợi nhuận đột biến này, bức tranh tài chính, kinh doanh của ITA vẫn có nhiều điểm khiến giới đầu tư e ngại.
Tại Báo cáo kiểm toán 2019, E&Y - đơn vị kiểm toán của ITA đã nhấn mạnh việc Tập đoàn có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê của diện tích đất đã được cho thuê nêu trên theo đơn giá thuê đất, trả tiền thuê đất một lần mà số tiền này có thể khác với số tiền đã được Tập đoàn trích trước (hiện ITA đang trích giá vốn là 886 tỷ đồng). Tại ngày lập báo cáo kiểm toán 2019, ITA và các cơ quan quản lý địa phương vẫn chưa xác định được đơn giá thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với diện tích nêu trên.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các công ty đa quốc gia. Mới đây, Apple đã công bố điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu quý 1/2020 từ 84 tỷ USD xuống còn 63 tỷ USD do các nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động. Tuy nhiên, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất khi dịch COVID-19 bùng phát vì các nhà máy được đặt bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Samsung với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ở công suất cao... Điều đó đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi trong ASEAN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các quốc gia trong khu vực (Phillippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp. Bên cạnh đó, các công ty trong các KCN cũng được hưởng nhiều ưu đãi, như miễn giảm thuế, miễn thị thực...
Ưu đãi thuế cho các công ty trong các KCN bao gồm miễn thuế từ 2 đến 4 năm, giảm thuế trong 3 đến 15 năm và miễn thuế nhập khẩu. Trong số các doanh nghiệp hưởng lợi từ ưu đãi nói trên phải kể tới là các doanh nghiệp hoạt động trong KCN như GVR, KBC, ITA… Đây cũng là lý do mà các nhà đầu tư đang quan tâm đến cổ phiếu ITA. Mặc dù vậy, cổ phiếu này chưa thể vượt qua được mệnh giá trong ngắn hạn, trừ khi kết quả kinh doanh các quý tới tiếp tục tăng mạnh.
Dương Thuỳ