Cơ hội phát triển
EVFTA có hiệu lực sẽ cơ cấu lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, đầu tư, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống... đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Nhìn nhận từ góc độ ngành nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu rõ: Khi EVFTA có hiệu lực, thuế các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào EU sẽ giảm đáng kể, điều này mang lại nhiều lợi ích, tăng sức cạnh tranh cho DN. “EU là thị trường lớn với lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu (XK) ngành nông nghiệp Việt Nam sang EU mới đạt 5 tỷ USD. Điều đó cho thấy sản phẩm nông sản của Việt Nam còn nhiều dư địa sang EU. Cùng với đó, thu nhập người dân EU cao nhất thế giới họ sẵn sàng mua hàng có chất lượng, tiêu chuẩn cao. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà cả chất lượng”- ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, với việc tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, cũng có thuận lợi là cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN XK sang EU, điều này chứng tỏ cộng đồng DN Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, khi EVFTA có hiệu lực sẽ có cơ sở hơn nữa để Việt Nam vươn lên.
Doanh nghiệp phải đổi mới
Các quy định của Hiệp định EVFTA cho thấy, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa XK của Việt Nam. Nhưng để hiện thực hóa những lợi ích này vẫn còn một hành trình gian nan. Nói về những khó khăn mà DN Việt Nam sẽ phải đối mặt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu rõ: Hiện năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới; DN Việt Nam cạnh tranh với DN châu Âu đồng nghĩa với việc sẽ phải cạnh tranh với những DN năng lực hàng đầu thế giới. Để tận dụng EVFTA, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là quan trọng nhất. “Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải quay trở lại cải thiện môi trường kinh doanh và để làm được điều này, phải bắt đầu từ thể chế” - ông Lộc nhấn mạnh. Chủ tịch VCCI cho rằng, thể chế sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, thể chế là nhiệm vụ trung tâm của cơ quan Chính phủ. “Chúng ta mở đường cao tốc với EU thì phải mở cao tốc giữa chính quyền với DN theo hướng cần rà soát các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh” - ông Lộc ví von.
Ngoài ra, DN phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, có những chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, DN Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực chắc chắn người lao động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có thêm việc làm theo hướng cạnh tranh và bền vững hơn; sẽ có thu nhập cao hơn. Nhưng cũng sẽ xuất hiện sự dịch chuyển về lao động và yêu cầu về điều kiện, chất lượng lao động cao hơn. Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu Việt Nam được thế giới đánh giá cao về nguồn nhân lực đông đảo, chi phí thấp nhưng chất lượng chưa cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Chính vì vậy, tôi nghĩ vấn đề cấp bách để chúng ta nhằm tận dụng được cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |
Thu Hương