Thu ‘khủng’ từ thoái vốn, Vinaconex vẫn giảm lãi 36%

Thu ‘khủng’ từ thoái vốn, Vinaconex vẫn giảm lãi 36%
Nhờ việc bán các khoản đầu tư tài chính, Vinaconex thu về hơn 633 tỷ đồng trong 3 tháng đầu 2020, tuy vậy ông lớn này vẫn giảm lãi sau thuế tới 36%.

Vinaconex giảm lãi trong khoảng thời gian từ tháng 1 -3. Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) vừa công bố cho thấy Vinaconex chỉ đạt doanh thu thuần gần 1.001 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so cùng kỳ 2019.

Trong đó doanh thu chính từ hoạt động xây lắp đạt 522 tỷ đồng giảm 43%, doanh thu từ kinh doanh bất động sản đạt 53 tỷ đồng giảm 78%, doanh thu sản xuất công nghiệp là 147 tỷ đồng giảm 30%, doanh thu từ hoạt động giáo dục là 42 tỷ đồng giảm 64%...

Giá vốn mặc dù giảm gần 40% nhưng vẫn chiếm khá cao gần 894 tỷ đồng khiến lãi gộp trong kỳ của Vinaconex chỉ đạt hơn 106 tỷ đồng, giảm 46%.

Trong kỳ này, Vinaconex ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 1.447%, đạt hơn 678 tỷ đồng. Theo VCG, khoản này chủ yếu nhờ có hơn 633 tỷ đồng lãi từ hoạt động thoái vốn các khoản đầu tư.

Đáng chú ý, trong khi doanh thu chính giảm mạnh thì các khoản chi phí trong kỳ của Vinaconex đều tăng. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 591% lên gần 574 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 61% lên 21,7 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 27% lên 89,2 tỷ đồng.

Kết quả, Vinaconex lãi trước và sau thuế 106,9 tỷ đồng và gần 64 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 36%. Riêng cổ đông công ty mẹ giảm 25%.

Vinaconex cho biết, nguyên nhân giảm lãi do công ty mẹ và thành viên trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng lên (khoảng 574 tỷ đồng) và hoạt động kinh doanh không tốt so cùng kỳ.

Vẫn theo báo cáo, tại 31/3, tổng tài sản Vinaconex giảm 9% so với đầu năm chủ yếu do các khoản tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, phải thu ngắn hạn và dài hạn cùng với hàng tồn kho đều giảm.

Nợ phải trả Vinaconex cũng giảm 15% so với đầu năm do phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn và dư nợ vay ngắn hạn đều giảm đáng kể.

Trên thị trường, cổ phiếu VCG của Vinaconex đang giao dịch mức 25.400 đồng/cổ phiếu, giảm 5,58% từ đầu năm, tức mỗi cổ phiếu mất 1.500 đồng.

Vinaconex là doanh nghiệp có nhiều biến động về cổ đông gần đây. Tháng 11/2018, hai trong số ba cổ đông lớn của Vinaconex là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố kế hoạch bán toàn bộ lô cổ phần VCG.

Công ty An Quý Hưng đã giành quyền mua lô cổ phiếu VCG từ SCIC và sở hữu 57,71% cổ phần. Công ty Cường Vũ cũng mua trọn lô cổ phần VCG từ Viettel.

Không lâu sau đó Star Invest cũng bỏ hơn 830 tỷ để mua 34 triệu cổ phiếu VCG từ nhà đầu nước ngoài và trở thành cổ đông lớn của Vinaconex.

Tháng 7/2019, Vinaconex gây bất ngờ cho cổ đông khi ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng giám đốc Vinaconex bị cơ quan công an triệu tập để xác minh vụ một cá nhân cùng đồng phạm mua bán trái phép hóa đơn, làm giả con dấu tài liệu.

HÒA BÌNH

Tags: Thoái Vốn Vinaconex Giảm Lãi Khoản Đầu Tư Tài Chính Giảm Lãi Sau Thuế Vcg Doanh Thu Thuần Doanh Thu Tài Chính Cổ Phiếu Vcg Bất Động Sản