“Ở nhà vui hơn nhiều, vì sẽ chẳng ai đặt cho cháu những câu hỏi và bài tập”, cậu bé 8 tuổi chia sẻ.
Yoo hiện đang mắc kẹt trong đống bài tập từ lớp học thêm và cũng không thể ra khỏi nhà do các sân chơi xung quanh hiện đã bị đóng cửa.
Nhưng cậu bé không tỏ ra chán nản trước tình cảnh này. “Dù có thêm bài tập, thời gian rảnh rỗi của cháu vẫn tăng gấp đôi”, Yoo nói. “Mỗi ngày cháu có 7 tiếng đồng hồ để thư giãn, cháu có thể chơi game, nô với chó hoặc chơi với bố mẹ”.
Cách Hàn Quốc không xa, chính phủ Nhật Bản thậm chí còn đóng cửa tất cả trường học cho tới hết tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Seoul, có những cảm xúc lẫn lộn rõ rệt về động thái của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.
Hàn Quốc có hệ thống giáo dục cạnh tranh và áp lực nhất trên thế giới, phần lớn trẻ em phải dành vài giờ mỗi tối tại các trường luyện thi được gọi là “hagwon”, chỉ để tránh tụt hậu về kiến thức so với các bạn bè đồng trang lứa.
Hwang Hyun-bi, 12 tuổi, thường dành 3 giờ mỗi tối để học tại hagwon, những môn cần học thêm bao gồm Toán, Khoa học, Tiếng Anh và Tiếng Trung.
Do kỳ học mùa xuân bị trì hoãn, khối lượng bài tập của Hwang tăng lên gấp hai, thậm chí gấp ba so với ngày thường để bù đắp lượng kiến thức trên lớp khiến cô bé không còn đủ thời gian để giải trí. “Thỉnh thoảng em mới có thể xem phim hoạt hình cùng em gái dù là ở nhà”.
Tuy nhiên, Hyun-bi không thể chờ cho dịch bệnh qua đi mới quay trở lại trường. Tháng 2 này đánh dấu những tuần cuối cùng của cô bé ở trường Tiểu học: chính phủ quy định học sinh phải đeo khẩu trang nếu học trên lớp còn phụ huynh không được tham dự lễ tốt nghiệp của con em mình.
“Em không thích đeo khẩu trang, vì nó khiến em cảm thấy khó thở”, cô bé chia sẻ.
Hwang đã phải hủy bỏ kế hoạch ăn mừng lễ tốt nghiệp với bạn bè ở khu phố Hongdae tại Seoul. Buổi hướng dẫn nhập học trường cấp hai của Hwang không diễn ra trọn vẹn do tất cả học sinh đều phải đeo khẩu trang. “Em không thể nhìn mặt các bạn vì ai cũng đeo khẩu trang”.
Em gái 6 tuổi của Hyun-bi không phải làm bài tập trong kỳ nhỉ. Cô bé dành nhiều thời gian rảnh của mình để tô màu, vẽ và đọc sách.
“Cháu thích chơi ngoài trời. Dù rất thích đạp xe nhưng đã hai tuần nay cháu phải ở trong nhà. Chúng cũng không thể tới lớp để gặp các bạn. Cháu nhớ tất cả mọi người”, cô bé Si-yeon nói.
Lee Eun-jin, mẹ của hai cô bé, nói rằng cô và các bà mẹ khác trong khu phố đang lo lắng về việc con cái họ không thể tới trường như đúng lịch.
Gia đình của Hwang sống ở Mok-dong, một khu phố giàu có ở Seoul. Mok-dong còn nổi tiếng với những lớp học thêm hagwon đặc biệt và tập trung hệ thống trường công chất lượng cao. Ở đây, phụ huynh trung bình bỏ ra 1.000 USD/tháng cho các lớp hagwon.
Trên một diễn đàn trực tuyến dành cho các bà mẹ Mok-dong, Lee cho biết mọi người đang thảo luận về việc thuê gia sư riêng cho các con. Những phụ huynh khác rất lo lắng do con cái họ đang trong giai đoạn chuyển cấp còn các kỳ thi tại Hàn Quốc luôn được ví von như “địa ngục” với các thí sinh.
“Dù có chút phiền toái nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều thời gian hơn ở bên các con”, Lee chia sẻ. “Tuy nhiên, chăm sóc chúng trong 24 giờ mà không có trường lớp lại là một câu chuyện khác. Nếu đây là một kỳ nghỉ thực sự, chúng tôi sẽ có kế hoạch đi chơi, nhưng chúng tôi đang mắc kẹt trong nhà”.
“Mặc dù chính phủ đã đưa ra khuyến cáo, nhưng 2/3 trong số 25.000 hagwon ở Seoul vẫn mở cửa”, Cho Hee-yeon - giám đốc Sở Giáo dục Seoul, cho biết hôm thứ Năm.
“Tôi hiểu rằng các bậc cha mẹ đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ con cái họ học tập và gặp khó khăn trong việc tìm nơi giao phó con mình trong những tình huống cấp bách này. Nhưng giờ là lúc để đất nước chúng ta cùng nhau hành động để vượt qua khủng hoảng”, ông Cho khẳng định.
Choi Bo-na, một giáo viên 29 tuổi, nói rằng trường của cô mới đưa ra quyết định tạm thời nghỉ học trong tuần này nhưng sẽ phải sớm mở cửa trở lại để các học sinh năm cuối tới ôn thi đại học. “Đối với học trò của tôi, học tập là một ưu tiên cấp bách. Việc lấy lý do dịch bệnh để bào chữa cho kết quả thi bết bát sẽ không được chấp nhận”, cô giáo Choi nói.
Để đáp ứng nhu cầu ôn thi của học sinh, cô Choi cũng đang sử dụng các phương pháp như dạy qua video hoặc phát trực tiếp bài giảng của mình để các học sinh có thể học tại nhà.
Cậu bé Sun Yul 4 tuổi thường sống với bố và bà ngoại ở Paju, gần biên giới Triều Tiên. Nhưng vì trường mẫu giáo của cậu bé tạm đóng cửa, Yul phải đã dành cả tuần lễ vừa qua với mẹ mình trong căn hộ ở quận Itaewon, Seoul.
“Thằng bé đang rất vui vì có thể xem YouTube thỏa thích. Nhưng các bà mẹ lại đang ở trong tình trạng khẩn cấp. Sau khi nhà trẻ đóng cửa, tôi phải lên kế hoạch ở bên con suốt 24 giờ. Buổi sáng chúng tôi sẽ làm bánh, cùng nhau vẽ, buổi chiều chúng tôi cùng nấu ăn, khoảng thời gian còn lại tôi phải để Yul xem YouTube”, mẹ cậu bé cho biết.
Vào thứ Tư, mẹ con Yul bày ra trò chơi đi tìm kho báu thông qua các bản đồ tự vẽ. “Yul có rất nhiều thời gian rảnh và muốn chơi. Bầu trời ở ngoài đang rất trong xanh. Nhưng chúng tôi không thể ra ngoài”, người mẹ nói.
Bắc Hiệp/Theo The Washington Post