Trò chuyện với người viết ứng dụng truy vết dịch Covid-19

Trò chuyện với người viết ứng dụng truy vết dịch Covid-19
Mới đây Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế công bố ứng dụng di động Bluezone đạt đồng giải nhất trong cuộc thi triển khai ứng dụng truy vết tìm kiếm F1, F2 hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và Bộ Y tế đã công bố ứng dụng di động Bluezone dùng công nghệ định vị bluetooth truy vết các trường hợp F1, F2 ở khu xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2. Để hiểu rõ về công dụng của ứng dụng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Linh, trưởng nhóm/cha đẻ của ứng dụng Bluezone.
*Ông có thể cho biết, ý tưởng và lý do vì sao ra đời của ứng dụng này?
Ý tưởng này ra đời từ đầu tháng 3.2020, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp: Chống dịch như chống giặc. Khi đó trong lòng mỗi chúng tôi, ai cũng khao khát làm được việc gì đó có ích cho Tổ quốc, cho cộng đồng. Người thì muốn mời một nhạc sĩ tên tuổi viết bài hát chống dịch, người thì muốn quyên góp làm từ thiện…

Đây là ứng dụng đầu tiên trên nền tảng công nghệ giúp truy vết F1, F2

 

Rồi cơ duyên xuất hiện khi một thành viên trong nhóm lóe lên ý nghĩ có thể sử dụng công nghệ Bluetooth để phát hiện F1, F2 trong phòng chống dịch Covid-19. Từ đó cả nhóm quyết định lao vào nghiên cứu đề án từ con số 0 tròn chĩnh, với bao thách thức, từ việc viết phần mềm đến việc thích ứng với mọi thiết bị của cả 2 hệ điều hành Android và iOS, vốn là những đối thủ không đội trời chung. Ngoài nhóm MemoZone gồm 4 thành viên chính với tôi là trưởng nhóm, bà Phạm Thu Hằng - Chủ nhiệm dự án, ông Đào Trần Bằng - Trưởng bộ phận phần mềm, ông Lê Hồng Long - Trưởng bộ phận thiết bị và 10 kỹ thuật viên thì chung tay với chúng tôi có Công ty cổ phần Bất động sản Đông Dương, đơn vị tình nguyện tài trợ kinh phí.
*Ứng dụng này hoạt động như thế nào và có tác dụng gì thưa ông?
- Thông qua tương tác Bluetooth giữa các điện thoại thông minh, ứng dụng cho phép lưu lại lịch sử tiếp xúc giữa các điện thoại trong phạm vi gần. Khi một người bị phát hiện là F0, toàn bộ lịch sử tương tác trong vòng 14 ngày trước đó sẽ chuyển về trung tâm xử lý, từ đó phát tin nhắn cảnh báo cho những người đã từng tiếp xúc gần F0 trong khoảng thời gian 10 phút để họ tự cách ly, đến xét nghiệm tại các trung tâm y tế.
Giải pháp này không xâm phạm đến quyền riêng tư vì các số điện thoại chuyển thành mã định danh, lưu trong điện thoại người sử dụng, chỉ khi F0 phát lên trung tâm xử lý, mã định danh mới chuyển thành số điện thoại để gửi tin nhắn cảnh báo cho các đối tượng bị nghi lây nhiễm. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây có thể xem là giải pháp tiên tiến, duy nhất có thể áp dụng đến lúc này. Nếu ứng dụng này thành công, các trường hợp nghi lây nhiễm như quán Bar Buddha, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tìm thấy hết, khắc phục được những bất cập như phương pháp thủ công đang áp dụng.

Tags: Doanh Nhân Covid-19 Ứng Dụng Truy Vết