Toàn cầu chao đảo
Chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng rực và ngay lập tức tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính thế giới.
Thị trường chứng khoán (TTCK) khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phiên giao dịch đầu tuần đồng loạt tụt giảm. Các chỉ số của Nhật, Hàn, Trung Quốc... đều giảm giá mạnh. Chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm 9,35 điểm và xuống gần ngưỡng 955 điểm. Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang đã nhấn chìm các TTCK trong khu vực.
Trong phiên cuối tuần qua, chứng khoán Mỹ cũng đã lao dốc từ đỉnh cao lịch sử. Cú giảm mạnh đã khiến chứng khoán Mỹ chất dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cổ phiếu hàng không tụt giảm mạnh do giá dầu tăng vọt. Chỉ số tương lai của cổ phiếu Mỹ cũng đồng loạt đi xuống trong phiên đầu tuần.
Trong khi chứng khoán toàn cầu lao dốc,giá vàng và giá dầu tăng đột biến. Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất 6 năm và đang hướng về ngưỡng 1.600 USD/ounce - một mức mà nhiều chuyên gia lạc quan cũng chỉ nghĩ rằng sẽ phải đến cuối năm 2020 mới đạt được. Giá dầu trong khi đó vọt lên gần mức 70 USD/thùng, còn đồng yen Nhật và trái phiếu Mỹ tăng dữ dội.
Các thị trường tài chính và hàng hóa Mỹ chao đảo trong bối cảnh Trung Đông nóng rực và có thể biến thành chảo lửa bất cứ lúc nào sau đợt không kích của Mỹ giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran. Đây là nhân vật quyền lực số 2 tại đất nước Hồi giáo này và là Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Soleimani cũng là người được cho là đứng đằng sau một loạt chiến dịch quân sự và ngoại giao giúp mở rộng ảnh hưởng của Tehran ở khu vực.
Nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tại khu vực Trung Đông là không hề nhỏ. Phía Mỹ đã khuyến cáo kêu gọi toàn bộ công dân nước này phải lập tức rời khỏi Iraq và không tới Iraq do các vấn đề khủng bố, bắt cóc và xung đột vũ trang.
Trong khi đó, chính phủ Iran chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Iran sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào về hoạt động làm giàu uranium trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi năm 2018. Còn Iraq cũng ra nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài.
Cộng đồng quốc tế vẫn đang kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa nhằm tránh để tình hình leo thang hơn nữa tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, tất cả đều đang thận trọng. Đồng minh của Mỹ tại khu vực nhiều nước mừng thầm nhưng hầu hết đang im lặng vì sợ trở thành mục tiêu tấn công của Iran.
Nguy cơ mới cho thế giới
Nếu như trong năm 2019 các nhà đầu tư chỉ phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thì trong năm 2020 tình hình trở nên bất định hơn với cuộc chiến Mỹ-Trung giai đoạn 2 được cho là căng thẳng hơn giai đoạn 1 và giờ đây là một cuộc chiến có thể xảy ra ở Trung Đông.
Trong một động thái mới nhất, Tổng thóng Donald Trump cho hay Mỹ sẵn sàng tấn công Iran "theo cách không cân xứng" nếu như nước này trả đũa và nhằm vào bất kỳ mục tiêu nào của Hoa Kỳ.
Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu nước này tấn công bất cứ người dân hay tài sản nào của Mỹ.
Trên thực tế, sức mạnh quân sự của Mỹ là rất lớn và càng rõ nét hơn sau vụ tấn công bằng tên lửa từ máy bay không người lái vào tướng Soleimani của Iran ngay tại sân bay quốc tế Badhdad của Iraq. Khả năng tấn công của Iran trong khi đó được cho là khá hạn hẹp với những diễn biến trước đó trong khu vực.
Tuy nhiên, với tuyên bố Mỹ đã bước qua lằn ranh đỏ, Iran nhiều khả năng sẽ không dễ dàng bỏ qua. Nếu không tấn công trực diện, giới lãnh đạo có thể trả thù bằng cách tấn công đồng minh của Mỹ.
Sự bất định là điều được nói đến nhiều nhất vào lúc này tại khu vực Trung Đông. Bất kỳ ai và địa điểm nào trong khu vực cũng có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công. Cuộc chiến bây giờ có thể là giữa Mỹ cùng các nước đồng minh Israel, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập với Iran và các nhóm vũ trang tại Syria, Iraq, Yemen, Lebanon,,...
Và tất nhiên, bất cứ một cuộc tấn công nào tại khu vực Trung Đông đều có thể sẽ tiếp tục đẩy giá vàng và dầu thế giới lên cao, còn chứng khoán chịu áp lực giảm.
Giá dầu được cho là còn tăng mạnh trước rủi ro Saudi Arabia và UAE có thể là mục tiêu của Iran. Trước đây vài tháng, các nhà máy lọc dầu hàng đầu của Saudi Arabia đã bị không kích liên tiếp bởi tên lửa và máy bay không người lái. Thời gian tới, nhiều khả năng các con đường giao thương nhiên liệu của thế giới tại vùng Vịnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giá dầu vọt lên mức 70 USD/thùng và được dự báo có thể lên 80 USD/thùng sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông báo cho thấy "nguy cơ cao" sẽ có những vụ tấn công bằng tên lửa ở gần các căn cứ quân sự và nhà máy dầu ở Saudi Arabia, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu trên thế giới.
Việc Iraq ra nghị quyết chấm dứt cho phép Mỹ và lực lượng nước ngoài hiện diện quân sự ở Iraq cũng có thể tạo điều kiện cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trỗi dậy và có thể dẫn tới các cuộc khủng bố trong khu vực.
Ở chiều ngược lại, những căng thẳng tại Trung Đông đem đến lợi ích không chỉ cho vàng, dầu mà còn cả các công ty ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng Mỹ.
Cổ phiếu các công ty quân sự Mỹ như Northrop Grumman, Lockheed Martin hay nhà thầu quân sự... hay các công ty dầu nhỏ như Exxon Mobil Corp, Chevron Corp, Marathon Oil Corp, Occidental Chemicals Corp... đều tăng mạnh.
Nhiều loại tài sản an toàn cũng tăng giá mạnh như: Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ và trái phiếu kho bạc Mỹ.
M. Hà