Dưới tác động của Covid-19, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hình chữ U - chạm đáy, đi ngang trong quý II, III trước khi tăng trở lại vào quý IV, theo dự báo của chuyên gia.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II và cả năm 2020 dưới tác động của Covid-19 được nhiều chuyên gia bàn luận tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 13/4.
PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng thuộc VEPR đưa ra ba kịch bản. Ở kịch bản lạc quan nhất, ông cho rằng nếu dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường thì tăng trưởng quý II vẫn âm 3,3%.
Ở hai kịch bản còn lại, tác động xấu nhất của Covid-19 với nền kinh tế sẽ xuất hiện trong quý II, III, thậm chí kéo dài tới quý IV. Theo ông Anh, những lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch gồm: vận tải; kho bãi; dịch vụ lưu trú; ăn uống; nghệ thuật; giải trí sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm 25-70% trong quý II, III. Tương tự, ngành chế biến chế tạo và khai khoáng sẽ kéo dài mức tăng trưởng âm ít nhất tới hết quý III. Còn ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ đảo chiều từ dương yếu trong quý I sang tăng trưởng âm bắt đầu từ quý II.
Kết quả, theo ông Anh, kinh tế Việt Nam quý II, III sẽ tăng trưởng âm trước khi hồi phục vào quý IV, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế năm 2020. Ở kịch bản bi quan nhất, kết thúc năm Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm 1%.
Ông Anh cũng lưu ý con số tăng trưởng GDP không nói hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không thể phản ánh đầy đủ ảnh hưởng nặng nề của dịch tới khu vực phi chính thức.
Theo ông Anh, với bất kỳ kịch bản nào, sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp khó khăn tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được Covid-19. "Triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vaccine hoặc thuốc đặc trị trên thế giới", ông Anh nói.
Bày tỏ sự đồng tình, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) cho rằng, kinh tế Việt Nam dưới tác động của Covid-19 sẽ tăng trưởng theo hình chữ U - chạm đáy, đi ngang, rồi tăng trưởng trở lại.
Lý do được ông Thành đưa ra là sự đứt gãy, gián đoạn của các chuỗi giá trị cung - cầu sẽ khiến một số quốc gia đang dần vượt qua đại dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam phải đối mặt với bài toán tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm của mình.
"Hoạt động sản xuất ở Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế cũng có đóng góp lớn từ xuất khẩu, phần sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước rất ít", ông Thành nhận xét.
Một luận điểm khác được vị chuyên gia này đề cập là phản ứng chính sách của Chính phủ còn chậm và chỉ tập trung ứng phó với dịch. Phần lớn đề xuất hỗ trợ người dân, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp vẫn nằm trên giấy. Còn viễn cảnh, tầm nhìn kinh tế hậu Covid-19 chưa nhận được sự quan tâm tương xứng.
Ông Thành cho biết, quy mô, tốc độ, đích ngắm là ba yếu tố Việt Nam còn thiếu trong các chính sách hỗ trợ kinh tế thời điểm này. Do đó, ông cho rằng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng tính toán, bổ sung 3 yếu tố nêu trên vào các chính sách giảm "sốc" kinh tế. Nếu không, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, thậm chí các tập đoàn kinh tế lớn sẽ đối mặt với khó khăn hơn nữa khi dịch chưa có dấu hiệu được kiểm soát tốt ở các nền kinh tế lớn.