Tại hội nghị của Ngân hàng Nhà nước ngày hôm qua (22/4), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, về việc giảm lãi suất, mỗi tổ chức tín dụng sẽ có năng lực tài chính khác nhau; dù quyết tâm rất cao nhưng sự ứng xử, chia sẻ với doanh nghiệp cũng khác nhau. Vietcombank đánh giá, ngân hàng sẽ chia sẻ lãi suất là 2.240 tỷ với doanh nghiệp, và số tiền này sẽ đến tay khách hàng rất nhanh, dự kiến sẽ đạt 70% đến tháng 6 và 100% đến cuối tháng 9.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho biết, theo tính toán của ngân hàng, dự kiến lợi nhuận sẽ giảm từ 3.000-4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra lúc đầu để giảm lãi suất, giảm phí.
Cụ thể, ông Thọ cho biết, Vietinbank đã đưa ra mức công bố giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng là trách nhiệm đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó ngân hàng xác định rõ 1 số lĩnh vực thiết yếu và mức độ giảm lãi suất cao nhất có thể: điện, lương, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, DN sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh, thuốc bổ…; các DN có quan hệ tín dụng với Vietinbank, các DN cung ứng, cung cấp các dịch vụ về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đó là các đối tượng Vietinbank xác định rõ và chỉ đạo rất nghiêm túc đến các chi nhánh, những trường hợp đó có thể giảm từ 2 – 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của Vietinbank. Đối với các đối tượng còn lại, Vietinbank xem xét tùy theo mức độ ảnh hưởng của DN đó để giảm từ 0,5 – 1,5%/năm.
Hay tại Agribank, ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc ngân hàng cho biết đã xác định lại phương án tài chính và dự kiến tổng doanh thu năm nay sẽ giảm khoảng 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20%, trích lập dự phòng 16.000 tỷ. Theo đó, dự kiến lợi nhuận Agribank còn 11.040 tỷ, doanh thu giảm 5%, lợi nhuận giảm 20%.
Lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng đang thực hiện gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng gói 100.000 tỷ, lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 đến 2,1%/năm.
Thu Thuỷ