Dịch Covid-19 đã tác động như thế nào tới doanh thu của Vinatex trong 3 tháng đầu năm nay, thưa ông?
Đối với Vinatex, kết quả kinh doanh quý I/2020 chưa bị tác động nhiều do doanh nghiệp sử dụng hết nguyên liệu mua dự trữ trước đó và hiện tượng các nhà mua hàng ở châu Âu và Mỹ hoãn và hủy bắt đầu từ 2 tuần cuối tháng 3 đến nay.
Điểm sáng trong quý 1 là doanh thu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu sụt giảm khiến doanh thu quý 1 của Tập đoàn giảm 7% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 20% kế hoạch năm.
Việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã giúp Tập đoàn và các đơn vị thành viên bù đắp phần nào thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống. Xin ông cho biết, Tập đoàn có coi đây là mặt hàng chiến lược để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thời gian tới?
Tính đến 15/4, Tập đoàn đã cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Việc sản xuất khẩu trang hiện tại đang giúp Tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.
Vừa qua, Tập đoàn cũng đưa ra thị trường sản phẩm mới khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đang xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này sang một số quốc gia châu Âu (Séc, Hungary, Canada) và Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt. Năng lực sản xuất khẩu trang toàn Tập đoàn có thể đạt 90-100 triệu chiếc/tháng để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn (nếu có).
Trên thực tế, xuất khẩu khẩu trang sang châu Âu hay Mỹ nhiều khách hàng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn như CE hay FDA. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần căn cứ tình hình thực tế để quyết định vì thủ tục lấy các chứng nhận trên sẽ tốn thêm chi phí và có độ trễ về thời gian.
Ở thời điểm hiện tại, sản xuất khẩu trang vải là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, đây chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm.
Hiện, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã được thụ hưởng những gì từ chính sách tín dụng và gói hỗ trợ của Chính phủ? Ông có kiến nghị gì nhằm giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay?
Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Hiện, các chính sách hỗ trợ vẫn đang chờ các bộ, ngành ban hành hướng dẫn.
Chính vì vậy, Vinatex cũng như các doanh nghiệp khác trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mong muốn các bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực thi một cách thông thoáng và thuận lợi nhất để hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Nguyễn