Dự kiến, Vingroup tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vào sáng 28/5. Khác với những năm trước, báo cáo của Ban giám đốc và Hội đồng quản trị Vingroup dự kiến trình cổ đông lần này nhắc nhiều về bối cảnh và những chia sẻ về định hướng tương lai, hơn là những mục tiêu cụ thể.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để và nhiều ngành nghề như du lịch, sản xuất có sự phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, Vingroup nhận định năm 2020 sẽ tiếp tục thách thức trước khi đưa hoạt động trở lại quỹ đạo vốn có. "Nhằm chủ động đối phó với những bất ổn, tập đoàn sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, quản lý chặt chẽ việc chi tiêu và đầu tư mở rộng, tối ưu hóa hoạt động các lĩnh vực hiện có", báo cáo của Ban giám đốc viết.
"Thắt lưng buộc bụng" được thể hiện trong định hướng của từng mảng kinh doanh, với ưu tiên quản lý chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động, đồng thời cả trong các nguyên tắc hoạt động của tập đoàn.
Theo Hội đồng quản trị, nguyên tắc "5 Hóa" trong mọi hoạt động của Vingroup sẽ thay "Chia sẻ hóa" bằng "Hiệu quả hóa" từ năm 2020, nhằm nâng cao yếu tố con người, hiệu quả kinh doanh và chuẩn hóa quy trình. Tập đoàn này cũng sẽ thực hiện một số giải pháp nhằm cắt giảm chi phí, điều tiết lại hoạt động kinh doanh, nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ.
Năm 2020, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, giảm 35%. Mục tiêu doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm dù đã đặt trọng tâm vào chi phí, theo giới phân tích, có thể do tác động của Covid-19 đến các mảng kinh doanh của Vingroup khác nhau. Những lĩnh vực mang lại doanh thu cao như bất động sản sẽ ít bị tác động hơn các mảng hoạt động nghỉ dưỡng hoặc sản xuất. Các biện pháp tối ưu chi phí, như định hướng của ban lãnh đạo, nhằm giảm bớt tác động và giúp lợi nhuận của tập đoàn không chịu ảnh hưởng quá tiêu cực từ diễn biến này.
Về những mảng kinh doanh cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes dự kiến tiếp tục mở bán các phân khu mới thuộc ba đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park. Đồng thời, công ty này cũng bắt đầu hiện thực hóa chiến lược phát triển các mảng kinh doanh nhằm tạo dòng tiền đều cho công ty, bao gồm phát triển hệ thống văn phòng cho thuê và bất động sản khu công nghiệp.
Vinhomes đánh giá, chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp được định hướng trên nền tảng kinh tế vĩ mô, cùng xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm gần đây. Chiến lược mới được xác định sẽ trở thành một trong ba trụ cột, bên cạnh hai lĩnh vực từ trước là bất động sản nhà ở và văn phòng.
Ở lĩnh vực cho thuê trung tâm thương mại, Vincom Retail sẽ đẩy mạnh số hóa và hiện thực hóa mô hình mua sắm – giải trí. Vinpearl chọn cách thúc đẩy kinh doanh với số cơ sở đã đi vào hoạt động và ưu tiên các dự án tối ưu chi phí vận hành.
Trong lĩnh vực công nghiệp - được xem là trụ cột với của Vingroup, VinFast và Vinsmart sẽ tập trung vào bán hàng tại thị trường trong nước, tận dụng tối đa hệ sinh thái Vingroup tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm, đồng thời tiếp tục xúc tiến xuất khẩu.
Với các mục tiêu trên, Ban giám đốc dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với thực hiện 2019. Lợi nhuận sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, giảm 35%. Nguồn vốn đầu tư dự kiến triển khai bằng hình thức huy động trong và ngoài nước. Tuy nhiên tập đoàn sẽ "kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới" và "tối ưu hóa hiệu suất sử dụng vốn".
Ngoài ra, Vingroup cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số, hướng đến việc xây dựng một nền tảng thống nhất, lấy công nghệ số làm nền móng.
"Trong từng lĩnh vực kinh doanh trọng yếu, Vingroup sẽ tiếp tục đẩy mạnh để duy trì vị thế dẫn đầu, mở ra các xu hướng tiêu dùng và trải nghiệm mới cho khách hàng", báo cáo của Hội đồng quản trị viết.
Minh Sơn