Theo CNN, nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trên thế giới dự báo dịch virus corona bùng lên từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm 2% trong quý I năm nay.
Điều đó đồng nghĩa với việc đại dịch nguy hiểm này sẽ thổi bay 62 tỷ USD của nền kinh tế Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm. Và đó sẽ là điều vô cùng tồi tệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã lao đao suốt năm qua vì nợ phình to và chiến tranh thương mại với Mỹ.
Mà tăng trưởng GDP năm 2019 của Trung Quốc thuộc vào loại thấp nhất trong 30 năm qua. Tình hình chắc chắn sẽ còn tiếp tục xấu đi, bởi đến hết tuần tới, 2/3 nền kinh tế Trung Quốc vẫn trong tình trạng tê liệt khi các tỉnh sản xuất trọng yếu tiếp tục kỳ nghỉ lễ để hạn chế dịch lan rộng.
Ưu tiên hàng đầu
Theo Nhân Dân nhật báo, đối phó với dịch virus corona là "ưu tiên hàng đầu" của chính phủ Trung Quốc. Tính đến nay, chính quyền trung ương và các địa phương nước này đã phân bổ 12,6 tỷ USD cho việc điều trị và mua sắm các thiết bị y tế.
Các ngân hàng lớn đã cắt giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân ở những vùng bị dịch tấn công. Và Ngân hàng Trung Quốc cho biết sẽ cho phép người dân Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung hoãn trả nợ vài tháng nếu mất nguồn thu nhập vì dịch bệnh.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẳng định các thị trường tài chính có đủ tiền mặt khi mở cửa vào ngày 3/2 sau 10 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán. Khi thị trường Hong Kong mở cửa hồi đầu tuần, chỉ số chứng khoán Hang Seng tụt dốc gần 6% chỉ sau vài ngày giao dịch.
Nhà kinh tế Zhang Ming thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy giảm. Ông dự báo GDP quý I sẽ sụt 1% xuống còn 5% với điều kiện dịch virus corona không kéo dài sang tháng 4.
Chuyên gia Zhang mô tả đây là kịch bản "lạc quan nhất". “Chính phủ có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho công tác y tế và đào tạo việc làm”, nhà kinh tế Zhang cho hay.
Ông cũng hy vọng chính quyền các địa phương sẽ bơm nhiều vốn hơn cho các dự án hạ tầng. “Bằng việc thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm, các thành phố có thể khỏa lấp được những điểm yếu trong đầu tư tư nhân vào bất động sản và sản xuất”, ông nói thêm.
"Ngân hàng trung ương cũng cần cắt giảm lãi suất để ổn định nền kinh tế", ông nói thêm. Chuyên gia Zhang kỳ vọng các biện pháp này sẽ đẩy GDP quý II của Trung Quốc lên 5,7%.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tỏ ra bi quan hơn nhiều. Nhóm phân tích của Noruma tin rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ giảm hơn 2% trong quý I. Việc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan và buộc các nhà máy phải đóng cửa nhiều ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất Trung Quốc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổn thất nghiêm trọng hơn dịch SARS
Trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế của dịch virus Vũ Hán. Nhưng những dấu hiệu xấu là rất nhiều. Tesla tạm thời đóng cửa nhà máy mới xây dựng tại Thượng Hải, Apple cũng đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Trung Quốc.
Ngành công nghiệp du lịch trị giá hàng chục tỷ USD trong dịp Tết Nguyên Đán lao đao khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, hủy các tour du lịch trong và ngoài nước, đóng cửa các điểm du lịch trọng yếu.
Các công ty du lịch, khách sạn và hãng hàng không lớn buộc phải hoàn tiền hủy phòng và vé cho khách hàng đến hết tháng 2. Hàng loạt hãng bay đã tạm ngừng dịch vụ đến và đi từ Trung Quốc.
Doanh thu ngày điện ảnh - lên đến hàng tỷ USD dịp Tết Nguyên Đán - bốc hơi khi các phim bom tấn không ra rạp và các rạp chiếu đóng cửa. Các chuyên gia cho rằng hậu quả của virus corona sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với dịch SARS năm 2003.
Dịch bệnh lây lan cũng đe dọa làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia 1,4 tỷ dân và đẩy giá tiêu dùng tăng vọt. Trước đó, thị trường lao động Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu bất ổn, ngành công nghiệp có truyền thống tạo nhiều công ăn việc làm như công nghệ đã tổn thương nghiêm trọng vì thương chiến.
290 triệu công nhân nhập cư là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Phần lớn rời các vùng nông thôn nghèo đến thành phố để làm việc trong các ngành xây dựng, sản xuất, những công việc lương thấp nhưng quan trọng như nhân viên phục vụ quán ăn, giao hàng, quét dọn...
Do nhiều nhà máy và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hàng triệu công nhân sẽ khó có thể tìm được việc làm sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kết thúc.
Hơn 10 triệu công nhân nhập cư từ tỉnh Hồ Bắc cũng sẽ phải đối mặt với việc bị phân biệt đối xử. Chuyên gia Zhang cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc có thể sẽ tăng vọt trong những tháng tới.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan khiến nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc sụt giảm. Bắc Kinh sẽ rất khó đạt được mục tiêu này. Bên cạnh đó, Mỹ tuyên bố vẫn sẽ duy trì thuế trừng phạt đánh lên hàng hóa Trung Quốc bất chấp dịch virus corona lan rộng.
Hương Giang