Diến biến của VN-Index trong năm 2019
Yếu tố vĩ mô tích cực
GDP đạt tăng trưởng trên 7% năm thứ 2 liên tiếp là một minh chứng cho thấy chính sách kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng. Nghị quyết 10/2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã bắt đầu tạo “trái ngọt”. Tăng trưởng vốn đầu tư của khối tư nhân trong năm 2019 đạt 17,3%, gấp đôi tăng trưởng của khối FDI và gấp 4 lần tăng trưởng của khối Nhà nước.
Sự vươn lên của khối kinh tế tư nhân Việt Nam đã kéo tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước lên 17,7%, cao hơn nhiều khối FDI là 4%. Đây là cơ sở để tăng giá trị xuất siêu, tạo nguồn cung ngoại tệ dồi dào, giúp bình ổn thị trường tiền tệ. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự vươn lên của khối kinh tế tư nhân trong những năm tới sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được thực thi quyết liệt hơn trong năm 2020. Những rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng sẽ được tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Đây là động lực tăng trưởng cho không chỉ kinh tế mà cả nhiều nhóm ngành trên TTCK như xây dựng, vật liệu xây dựng…
Định hướng giảm lãi suất của Chính phủ đã được triển khai ngay từ cuối năm 2019 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2020. Tuy nhiên theo SSI, thời gian lãi suất giảm trong năm 2019 là khá ngắn, chưa đủ để có tác động đến kinh tế và doanh nghiệp. Sang năm 2020, nếu lãi suất tiếp tục giảm và kéo dài, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà tâm lý thị trường cũng sẽ được củng cố.
Hai yếu tố tăng trưởng và lãi suất của Việt Nam sẽ hòa nhịp với xu hướng chung của thế giới, tạo nên sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong năm 2020
Cẩn trọng tác động từ bên ngoài
Việc Mỹ và Trung Quốc tuyên bố tạm đình chiến thương mại khi chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là điểm khởi đầu cho tâm lý tích cực và dòng vốn đảo chiều. Tuy nhiên, dòng vốn vào cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa giữa thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Trên chặng đường chinh phục các mốc cao mới của chỉ số chứng khoán Mỹ, dòng tiền của các quỹ vào cổ phiếu Mỹ chưa khi nào ghi nhận 3 tuần tăng liên tiếp. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu tại các thị trường mới nổi ghi nhận có 21,2 tỷ USD trong 9 tuần liên tiếp, trong đó điểm đến chủ yếu là các quỹ toàn cầu (GEM) và khu vực Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản).
Trong khi đó, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến nhiều quỹ ETF mới mô phỏng chỉ số VN30 cũng như bộ 3 chỉ số mới của sàn HOSE trong năm 2020. TTCK Việt Nam cũng đang được FTSE cân nhắc nâng hạng và chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn. Nếu đáp ứng được tiêu chí này, thì các nhà đầu tư ngoại sẽ nắm bắt thời cơ vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong năm nay, TTCK Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Về tác động từ bên ngoài, căng thẳng địa chính trị, trong đó tâm điểm là căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran, sẽ tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài. Ở trong nước, theo SSI, nhiều điểm yếu của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Việc Moody hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam đã bộc lộ ra một trong những điểm yếu đó.
Theo nhận định của SSI, trong năm 2020, ở kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ nhiều biến động tương đồng như năm 2019, theo đó sẽ sôi động trong khoảng thời gian đầu năm và sau đó lắng dịu. Khả năng giảm sâu dưới vùng 950 điểm là rất thấp, trừ khi các căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và quan hệ Mỹ - Trung leo thang không kiểm soát.
Trong khi kịch bản tích cực với sác xuất xảy ra cao hơn là sau thời gian tích lũy, các yếu tố hỗ trợ trong nước bao gồm tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, xu hướng giảm lãi suất cộng hưởng với các yếu tố hỗ trợ bên ngoài sẽ khiến thị trường hưng phấn, tạo thêm sóng mới cho VN-Index vào cuối năm nay.
Dù kịch bản nào xảy ra, thì TTCK Việt Nam vẫn sẽ ở trong trạng thái ổn định hướng đến tích cực.
Tôi có cái nhìn thận trọng về TTCK trong năm 2020 khi rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn và yếu tố địa chính trị sẽ gây khó khăn cho thị trường. Trong nước, tốc độ sản xuất có thể bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ giảm tốc nền kinh tế toàn cầu, mặc dù vậy viễn cảnh có thể sẽ đỡ rủi ro hơn so với các quốc gia khác. Tôi đánh giá tích cực thị trường trong quý I và đến gần giữa quý II/2020. Theo đó, VN-Index có thể sẽ quay trở lại mức 1.100-1.200 điểm trong đầu năm 2020, sau đó sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta
Ngọc Anh