Bản chất việc Mỹ xóa ưu đãi các nước đang phát triển

Bản chất việc Mỹ xóa ưu đãi các nước đang phát triển
Vị chuyên gia cho rằng, động thái của Mỹ là sự cảnh báo các nước phải nỗ lực vươn lên, tham gia công bằng vào thị trường.

Yêu cầu gia nhập sân chơi công bằng

Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 11/2 thông báo chính quyền Mỹ đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển nhất để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra của Mỹ về việc liệu các nước này có gây tổn hại tới các ngành công nghiệp Mỹ với việc trợ cấp xuất khẩu không công bằng hay không.

Động thái này đánh dấu sự từ bỏ chính sách thương mại của Mỹ trong 20 năm qua đối với các quốc gia đang phát triển, có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với một số nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Với quyết định trên, Mỹ đã xóa bỏ các ưu đãi của nước này đối với một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển (tự coi là nước đang phát triển hoặc được công nhận là nước đang phát triển), bao gồm Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm về động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ở chừng mực nào đó động thái của ông Trump cần được ủng hộ bởi đây chính là sức ép thúc đẩy các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nỗ lực để gia nhập thị trường một cách công bằng, không cần tới các ưu tiên, ưu đãi.

Lý giải động thái của ông Trump, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho biết, ông Trump là chủ thể của một nước lớn - nước đang định hình cho sự phát triển của thế giới, bởi vậy các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump có ý nghĩa rất lớn đối với các nước, mà ở đó ứng của ông Trump đối với các nước được phân chia theo các cấp độ khác nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi giữa tháng 1/2020. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi giữa tháng 1/2020. Ảnh: Reuters

Về chế độ tối huệ quốc - những ưu đãi mà Mỹ dành cho các nước đang phát triển hay chưa phát triển để vượt qua trạng thái thấp kém, theo ông Đoàn, là sự hỗ trợ không phải có tính chất nhân đạo mà là một yêu cầu của sự phát triển chung và sự phát triển chung ấy cũng thúc đẩy nước Mỹ phát triển. Theo đó, cả thế giới sẽ phát triển theo một hệ sinh thái chung, một quy luật là mọi người đều được hưởng lợi, có quyền phát triển và phải có trật tự.

"Nước Mỹ đã từng làm được việc này và sẽ phải làm nhiều hơn nữa. Muốn vậy, bản thân nước Mỹ phải được phát triển trên một quy luật mà mọi người cũng được hưởng sự công bằng.

Trong sự phát triển chung của thế giới, có cái theo quy luật, có cái đặc thù, nhưng trên hết nó cần phải có thể chế để mọi người phải tuân thủ. Con người có ý thức và nhận thức, nhận thức ấy luôn là: Tôi có lợi hay không? Làm sao để có lợi và lợi hơn nữa?

Nếu cái lợi trên theo cái chung thì không sao, nhưng phục vụ cho cái riêng của mỗi chủ thể thì trong khi người này lợi, người khác bị thiệt.

Khi Mỹ dành chế độ tối huệ quốc cho nhiều nước đang phát triển, nhiều nước đã khai thác, lợi dụng nó quá đà nên ông Trump muốn xóa bỏ ưu đãi bởi chính việc lạm dụng ưu đãi đã chống lại sự phát triển. Việc xóa bỏ ưu đãi sẽ khuyến khích cho các nước kém phát triển phải nỗ lực, không phải chỉ dựa mãi vào các ưu tiên, ưu đãi.

Ở đây, ưu tiên, ưu đãi mang tính chất chia sẻ, tính xã hội nhiều hơn kinh tế, nếu khai thác thái quá sẽ vi phạm quy luật kinh tế, vi phạm nền tảng của sự phát triển", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, cần phải hiểu đúng về động thái xóa bỏ ưu đãi với các nước đang phát triển của chính quyền Tổng thống Trump. Ông Trump muốn cảnh báo tất cả các nước phải nỗ lực, làm cho mình mạnh lên, tham gia một cách công bằng vào thị trường.

Chế độ tối huệ quốc chỉ có giá trị nhất định khi nó hỗ trợ các nước kém phát triển phát triển. Nếu cứ thấy đó là cái lợi và cứ khai thác một cách bừa bãi, kéo dài ưu đãi thì các nước không thể phát triển và gây thiệt hại cho người khác.

"Vậy nên ông Trump mới nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn cứ hưởng các lợi ích thương mại ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)", PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.

Ở một khía cạnh khác, vị chuyên gia cho rằng, động thái của nước Mỹ chính là sự mặc cả đối với các nước để nước Mỹ có lợi nhiều hơn.

"Ông Trump là một chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường, ở đó có chuyện mua bán, mặc cả: anh lợi gì? tôi lợi gì?

Trước kia ông Trump chia sẻ với các nước hơn, nhưng đến khi nhiều nước bắt đầu sử dụng chế độ ưu tiên, ưu đãi để trục lợi thì ông Trump lật ngược lại. Đó là một hành vi hoàn toàn hợp lý, tạo ra một sân chơi mà ở đó mỗi nước đều phải cố gắng, nỗ lực phát triển mình trên cơ sở làm cho các nước phát triển", ông Đoàn lý giải.

Việt Nam phải làm gì?

Trước quyết định xóa bỏ ưu đãi của Mỹ đối với một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, các nhà quản lý và nhà kinh tế Việt Nam phải nghiên cứu, sắp xếp lại tư duy của mình để tiến tới tham gia sân chơi một cách sòng phẳng.

"Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mà cả thế giới đang chuyển động theo một quy tắc mới nên không thể hành động như cũ và các mối quan hệ trong nước cũng như trên thế giới phải thay đổi cơ bản", ông nhấn mạnh và lưu ý, điều quan trọng là nền kinh tế Việt Nam phải có được nền tảng, lực lượng, hệ thống của mình, trong đó các hệ thống phải thay đổi, mà hệ thống kinh doanh là quan trọng nhất.

"Nền kinh tế thị trường thực chất là hoạt động kinh doanh, tạo ra giá trị và làm cho giá trị tăng lên với một hiệu quả cao và sức sản xuất lớn.

Một ví dụ về đầu tư: Nền kinh tế Việt Nam đã dựa vào FDI quá lâu mà FDI lại là con dao hai lưỡi, thứ chúng ta được hưởng thì ít mà bị FDI lợi dụng thì nhiều. Cả một thời kỳ dài hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, mãi lẹt đẹt, bị gọng kìm của FDI và doanh nghiệp nhà nước kìm kẹp, không lớn lên được. Chừng nào chúng ta chưa phát triển được hệ thống kinh doanh của mình, lấy đó làm nền tảng thì nền kinh tế sẽ không phát triển được", PGS.TS Lê Cao Đoàn nhận xét.

Thành Luân

Tags: Mỹ Nước Đang Phát Triển Donald Trump Lưu Hạc Thoả Thuận Thương Mại Tổng Thống Mỹ