Tiềm năng tăng trưởng tích cực
Sau một thời gian quanh quẩn ở vùng đáy 41.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu LIX đã leo dốc tích cực, tăng gần 30% trong 3 tháng qua, hiện giao dịch ở mức hơn 53.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 51.756 cổ phiếu/phiên.
Giao dịch sôi động hơn ở cổ phiếu này một phần xuất phát từ việc kết quả kinh doanh của LIX tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo tài chính quý I/2020, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 880 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chủ yếu gia tăng doanh thu nội địa với con số 776 tỷ đồng, tăng 64%.
Lợi nhuận sau thuế quý I của LIX đạt 64,08 tỷ đồng, tăng 66,5% so với quý I/2019. Nguyên nhân là doanh thu tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng của giá vốn hàng bán, giúp lợi nhuận tăng 25,59 tỷ đồng.
Ðáng chú ý, cùng với doanh thu và lợi nhuận, các khoản chi phí của Công ty cũng leo dốc, như chi phí bán hàng tăng gấp 4 lần (194 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 34 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/03/2020, các khoản phải thu ngắn hạn của LIX gấp đôi so với đầu năm, lên gần 329 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng tăng 47% so với đầu năm, lên hơn 411 tỷ đồng; trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn gấp 12 lần đầu năm, lên gần 147 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bột giặt, chất tẩy rửa, LIX được hưởng lợi khi đại dịch Covid-19 diễn ra, khiến nhu cầu với sản phẩm tẩy rửa gia tăng. Ðáng chú ý, Công ty đã nhanh chóng tung ra thị trường sản phẩm nước rửa tay khô On1, khiến doanh thu leo dốc đáng kể.
Ðặc biệt, một trợ lực tích cực cho hoạt động của LIX trong thời gian tới chính là diễn biến lao dốc của giá dầu trên toàn cầu. Thành phần chính trong nguyên vật liệu sản xuất bột giặt là LASS, chất hoạt động bề mặt được chiết xuất từ các sản phẩm của dầu mỏ. Tại LIX, LASS chiếm gần 85,8% chi phí nguyên vật liệu, do đó, diễn biến giá dầu sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận của Công ty.
Bên cạnh đó, theo Euromonitor, ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình (Home persional care - HPC) là một trong những lĩnh vực hấp dẫn tại Việt Nam, với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh.
Ngành hàng HPC có quy mô chỉ kém mặt hàng bia và sữa trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh FMCG. Chi tiêu liên quan đến giặt ủi tại Việt Nam năm 2018 thuộc Top đầu trong khu vực Ðông Nam Á, với 14,8 USD/người.
Hiện tại, các thương hiệu trong nước có thị phần khá khiêm tốn, nhưng không gian để mở rộng là hiện hữu. Thị trường chính của LIX là nội địa, với 48,9% doanh thu đến từ kênh truyền thống và 31,8% doanh thu đến từ kênh siêu thị.
Theo đó, kênh phân phối đang có xu hướng chuyển dịch: kênh bán hàng truyền thống giảm dần tỷ trọng và kênh siêu thị, gồm 12 hệ thống siêu thị lớn như Coop Mart, Big C, Vinmart… được đẩy mạnh.
Nhãn hiệu Lix tại kênh hiện đại ghi nhận mức tăng 40% về sản lượng trong năm 2019 và chiếm 37% tổng doanh thu.
Công ty cũng đẩy mạnh bán hàng kênh online (trên các nền tảng như Lazada, Tiki, Shopee...) và và kênh Horeca (khách sạn, nhà nghỉ, quán cà phê...). Lixco hiện còn xuất khẩu sản phẩm đến 13 nước.
Hình ảnh thương hiệu bị tổn hại
Sản phẩm nước rửa tay khô On1 trở thành điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của LIX trong quý I, nhưng đi kèm với nó là những ồn ào, tai tiếng.
Cụ thể, sau khi bị phản ánh việc nhãn mác của sản phẩm ghi “gel rửa tay khô sạch khuẩn 99,9%” là không phù hợp, bởi chưa chứng minh được công dụng làm sạch khuẩn, LIX đã phải tiến hành thu hồi sản phẩm, thay nhãn mác mới.
Ðáng chú ý, trong thông cáo của mình, LIX khẳng định, sản phẩm On1 tuân thủ các quy định về kiểm định sản phẩm, công bố lưu hành và quảng cáo sản phẩm, nhưng trước đó, Sở Y tế Bình Dương khẳng định, Sở không cấp cụm từ “Gel rửa tay sạch khuẩn 99,9%” cho On1.
Hiện tại, LIX đã tiến hành thu hồi sản phẩm và sử dụng nhãn mác mới trước khi bán ra thị trường, tuy nhiên, những nhập nhèm này khiến người tiêu dùng phần nào hoài nghi về tính minh bạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Chưa hết, việc LIX có liên quan tới tình trạng ô nhiễm kênh nước tại khu công nghiệp ở Bình Dương một lần nữa khiến tên tuổi thương hiệu Việt mất đi cảm tình của người tiêu dùng.
Ðể củng cố vị trí của một thương hiệu nội địa trước các ông lớn trong ngành như Unilever, P&G, Kao… và nhiều tên tuổi khác, LIX cần giải quyết câu chuyện hình ảnh thương hiệu trong thời gian tới.
Lam Phong