Tháng 12/2019, nhà bán lẻ kính mắt trực tuyến Lenskart Solutions Private Limited của Ấn Độ là trung tâm sự chú ý khi huy động được 230 triệu USD trong vòng tài trợ Series G từ SoftBank. Công ty cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ kỳ lân của Ấn Độ. Năm 2019, trước Lenskart, Ấn Độ đã có tới 8 startup đạt danh hiệu kỳ lân (startup đã đạt mức định giá 1 tỷ USD), theo dữ liệu của Intelligence.
Trong khi các startup nổi tiếng như công ty tạp hóa trực tuyến BigBasket, công ty dịch vụ hậu cần Delhivery và công ty di động Ola Electric đã ghi nhận mức định giá hơn 1 tỷ USD vào năm 2019, thì một số startup trong các lĩnh vực mới, như công nghệ y tế, quản lý hợp đồng, dịch vụ vận tải và chơi game cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Hiện tại, các startup B2B chi phối danh sách công ty mới đạt danh hiệu kì lân tại Ấn Độ vào năm 2019. Một số công ty khác thuộc các lĩnh vực mới nổi như game, ô tô và chuỗi cung ứng/hậu cần.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ tự hào có 27 kỳ lân, theo dữ liệu của Venture Intelligence. Hơn nữa, quốc gia này là trung tâm kỳ lân lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc.
Công ty thanh toán kỹ thuật số Paytm của tỷ phú Vijay Shekhar Sharma hiện là startup giá trị nhất ở Ấn Độ với mức định giá là 16 tỷ USD. Xếp thứ hai là Ola, được điều hành bởi ANI Technologies, với mức định giá gần 6 tỷ USD.
Năm 2018, Ấn Độ chứng kiến sự xuất hiện của 8 kỳ lân, trong đó có công ty bảo hiểm trực tuyến Bazaar, công ty dịch vụ khách sạn OYO và công ty B2B Freshworks.
một báo cáo gần đây của Nasscom (*) với tiêu đề, Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ - Công nghệ hàng đầu trong thập niên 20, cho biết rằng đến năm 2025, Ấn Độ sẽ có khoảng 95-105 kỳ lân, với mực định giá tổng cộng 350-390 tỷ USD. Số lượng kỳ lân tiềm năng của Ấn Độ đã tăng gấp ba lần từ 15 năm ngoái lên 52 vào năm 2019, báo cáo cho biết thêm. Công ty phần mềm GreyOrange, công ty xử lý thẻ Pine Labs, nền tảng chợ xe hơi trực tuyến CarDekho, cửa hàng tạp hóa trực tuyến Grofers, startup fintech LendingKart, nền tảng chợ trực tuyến dành cho xe tảiBlackbuck là một trong những kỳ lân tiềm năng hiện nay.
Thuật ngữ kỳ lân ra đời vào năm 2013 bởi nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee. Công ty công nghệ quảng cáo di động InMobi, được hỗ trợ bởi SoftBank, là startup Ấn Độ đầu tiên được định giá 1 tỷ USD vào năm 2011. Và mục tiêu của công ty là thách thức Google và Facebook trong không gian quảng cáo di động.
Tuy nhiên, định giá của công ty đã không tăng nhiều trong những năm qua và giới phân tích hoài nghi về khả năng sinh lời và khả năng thành công của công ty này. Vì vậy, liệu danh hiệu kỳ lân có đồng nghĩa với thành công? "Tuyệt đối không. Như chúng ta đã thấy trong nhiều trường hợp ở Ấn Độ và trên toàn thế giới, các kỳ lân vẫn gặp rất nhiều khó khăn và cần tiếp tục gọi vốn ở mức định giá cao để có thể duy trì quỹ đạo tăng trưởng”, ông K Ganesh, một nhà khởi nghiệp và người hỗ trợ nhiề công ty như Bigbasket, Portea Medical và Homelane, nhận xét.
Ông Girish Vanvari, người sáng lập Transaction Square (công ty giao dịch và tư vấn thuế), cho biết: “Khi công ty trở thành một kỳ lân, khách hàng, nhà đầu tư và trên hết là những nhân viên sẽ đặt nhiều niềm tin vào quỹ đạo bạn đã vạch ra. Nhiệm vụ bắt buộc là phải giữ vững quỹ đạo đó và đáp ứng kỳ vọng của nhiều cổ đông khác nhau, và bạn cũng luôn phải tiến hóa để ứng phó trước những áp lực cạnh tranh”.
Hiện, trong khi những nhà sáng lập của các kỳ lân vẫn hy vọng vào tương lai, triển vọng tăng trưởng của các kỳ lân Ấn Độ đã bị đặt dấu hỏi, sau những đợt IPO không mấy thành công của các kỳ lân lớn như Uber, thậm chí WeWork đã phải từ bỏ kế hoạch niêm yết.
(*) Hiệp hội các công ty dịch vụ và phần mềm quốc gia là hiệp hội thương mại của ngành công nghiệp gia công phần mềm thông tin và công nghệ thông tin Ấn Độ.
Nguồn Dealstreetasia