Một tuần biến động
Thị trường vàng vừa trải qua một tuần biến động khá mạnh, nhưng không có xu hướng rõ ràng, có lúc vọt lên trên 1.723 USD/ounce nhưng cũng có lúc đánh mất mốc quan trọng 1.700 USD. Chốt phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 1.702,9 USD/ounce.
Giá vàng biến động khó đoán định sau khi mặt hàng này có một đợt tăng mạnh và đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên mức cao kỷ lục 14,7% kể từ Thế chiến II, tương đương 20,5 triệu người mất việc làm chỉ riêng trong tháng 4.
Thông thường, vàng sẽ tăng giá rất mạnh sau những thông tin tiêu cực về thị trường việc làm của nước Mỹ. Tuy nhiên, lần này, một cú bứt phá đã không xảy ra. Sức cầu lớn từ các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn ở vàng chưa áp đảo sự thiếu vắng của các tay mua lớn như ngân hàng trung ương (NHTW) các nước.
Sự lây lan của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu đã làm giảm giao dịch mua bán ở các thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga. Đây đều là những tay mua lớn trên thị trường vàng quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế là vàng vẫn không giảm giá và treo quanh đỉnh cao 1.700 USD/ounce nhờ sức cầu từ lượng lớn các nhà đầu tư vốn đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn.
Trong khi đó, số liệu việc làm tại Mỹ là đen tối nhất kể từ Thế chiến II tới nay nhưng lại thấp hơn so với dự báo trước đó một chút ít. Theo một cuộc thăm dò của MarketWatch, số lượng người Mỹ được ước tính mất việc trong tháng 4 lên tới 22,1 triệu người, cao hơn với con số thực tế 20,5 triệu người.
Không những thế, sự nhượng bộ của Trung Quốc sau những tuyên bố mạnh mẽ của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ngăn cản đà tăng của kim loại quý này. Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc mới đây đã có một cuộc điện đàm, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Diễn biến này xảy ra sau khi ông Donald Trump dọa khai tử thỏa thuận thương mại vừa được ký hồi tháng 1/2020 nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Chính quyền ông Trump còn thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ sớm đưa chuỗi cung ứng toàn cầu rời khỏi Trung Quốc sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh Washington đang cân nhắc mức thuế trừng phạt mới áp lên hàng hóa của Bắc Kinh và làn sóng bài Trung được cho là cao nhất 30 năm qua.
Vàng sẽ vào đợt tăng mạnh
Bất chấp áp lực lên vàng ở vào giai đoạn này không hề nhỏ khi mà thế giới vẫn đang quay cuồng chống dịch Covid, tiền mặt nhiều khi vẫn là ưu tiên số 1 và NHTW phần lớn các nước chưa tính tới việc mua vàng, nhưng triển vọng của mặt hàng này vẫn khá tươi sáng.
Trên Kitco, theo CEO của Celsius Network, giá vàng sẽ có một đợt tăng mạnh kéo dài và có thể lên tới 3.000 USD/ounce vào cuối năm tới, thậm chí có thể còn cao hơn nữa, nếu cuộc chiến tiền tệ hiện tại không được kiểm soát.
Hầu hết các nước đang in tiền với quy mô khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử, một quý in tiền bằng nhiều năm cộng lại. Việc in tiền quy mô lớn có nguy cơ gây ra tranh chấp tiền tệ nghiêm trọng. Đây là cơ sở để vàng có thể bước vào một giai đoạn tăng vọt.
Trong tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ cho hay sẽ dự định vay gần 3.000 tỷ USD trong quý 2/2020 vì các gói giải cứu liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến ngân sách thâm hụt. Con số này quá lớn, vượt xa 530 tỷ USD đã vay trong quý 3/2008 để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong cả năm 2019, Bộ Tài chính Mỹ chỉ vay ròng 1.280 tỷ USD.
Với Mỹ, việc thực hiện các khoản vay thường bằng cách bán trái phiếu chính phủ và trả lãi suất tương đối thấp do khoản nợ này thường được đánh giá là có rủi ro thấp. Nhưng ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, gánh nặng nợ của nước này tăng lên tới mức mà nhiều nhà kinh tế cảnh báo rủi ro đối với tăng trưởng dài hạn.
Vài tuần gần đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dã mua hơn 1 ngàn tỷ USD trái phiếu khó bạc, đồng nghĩa với việc bơm một lượng tiền khủng như vậy vào thị trường tài chính Mỹ. Không chỉ Fed, các NĐT nước ngoài như Nhật, Anh, Pháp,... cũng cho chính quyền ông Trump thông qua cách tương tự.
CNBC mới đây dự báo, thâm hụt ngân sách Mỹ có thể đạt kỷ lục 80 năm, lên gần 4.000 tỷ USD trong năm tài khoá 2020 (cao gấp 4 lần dự báo trước đó) do chính phủ Mỹ phải thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ, giúp nền kinh tế thoát khỏi sự đình trệ do Covid-19.
Theo tính toán của CEO Celsius Network, Fed có thể phủ ngập thị trường với ít nhất 10 ngàn tỷ USD. NHTW Mỹ đã bán tài sản trong một tháng nhiều hơn so với những gì họ đã làm trong hơn 100 năm.
Thị trường trái phiếu Mỹ cũng tiềm ẩn nguy cơ bong bong bóng lớn chưa từng có khi lợi suất trái phiếu 10 năm ở mức rất thấp 0,5%, còn lợi suất trái phiếu 30 năm đang ở mức thấp lịch sử.
Không chỉ Mỹ, tình trạng tin tiền với các chương trình kích thích kinh tế lớn lịch sử tại nhiều nước cũng góp phần khiến vàng được cho là sẽ ngày càng hấp dẫn. Theo Reuters, Nhật Bản vừa cho biết sẽ tăng quy mô gói kích thích kinh tế lên gần 1.100 tỷ USD
Hàng loạt NHTW các nước đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, trong đó nhiều nơi duy trì mức lãi suất âm như tại Nhật và châu Âu.
Trước đó, nhiều tổ chức cũng dự báo vàng sẽ tăng mạnh sau một thời gian ngắn chùng xuống. Đại diện VanEck cho rằng vàng sẽ chạm 2.000 USD/ounce trong 12 tháng. Bank of America dự báo vàng lên mức cao kỷ lục 3.000 USD trong vòng 18 tháng tới. Commerzbank nhận định vàng sẽ lên 1.800 USD/ounce vào cuối 2020. Còn Refinitiv dự báo vàng sẽ vượt 1.850 USD/ounce ngay trong năm nay.
V. Minh