Chủ tịch Tiki: 'Thương mại điện tử là tương lai của bán lẻ'

Chủ tịch Tiki: 'Thương mại điện tử là tương lai của bán lẻ'
Chủ tịch HĐQT Tiki, Trần Ngọc Thái Sơn khuyên startup chọn con đường ngách, cung cấp giải pháp công nghệ tối ưu để chen chân vào thị trường thương mại điện tử.

Thương mại điện tử Việt vẫn còn là 'mảnh đất màu mỡ'

Khi Tiki thành lập năm 2010, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã hình thành nhưng còn phát triển manh mún, chưa chuyên nghiệp. Hoạt động bán hàng online chưa có sự khác biệt so với cửa hàng thông thường khi thời gian hoạt động gói gọn trong khung giờ hành chính (từ 9-17h), các buổi tối trong tuần và chủ nhật đóng cửa. Dịch vụ giao hàng thường xuyên xảy ra tình trạng chậm trễ, hủy đơn, giao không đúng hàng, giao hàng kém chất lượng....

Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, các công ty thương mại điện tử đã dần chuyên nghiệp hơn trước sức ép cạnh tranh của nhiều ‘ông lớn’ trong khu vực tham gia vào sân chơi nội địa. Nhờ đó, hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam ngày càng phát triển với lượng hàng hóa dồi dào, giá cả cạnh tranh, dịch vụ ngày càng chất lượng. 

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki, Trần Ngọc Thái Sơn tham gia tọa đàm tại VnExpress. Ảnh: Thành Nguyễn.​​​​​​

"Bây giờ muốn mua bàn chải, TV, thậm chí xe hơi... cứ đặt hàng là có. Dù là Tiki hay những công ty thương mại điện tử khác, tôi tin rằng mọi người đều đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu", ông Sơn nói.Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, các dịch vụ phụ trợ như giao hàng, thanh toán... dần được cải thiện. Người dùng ở những thành phố lớn có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn với chất lượng dịch vụ ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Theo nhà sáng lập Tiki, các công ty thương mại điện tử Việt Nam đang tập trung vào 4 xu hướng quan trọng. Xu hướng đầu tiên là đa dạng nguồn hàng. Ví dụ, trước đây ít ai nghĩ đến việc bán bảo hiểm, xe hơi... trên mạng. Nhưng hiện nay, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ này đều đã có trên kênh online. Bên cạnh đó, các nền tảng kinh doanh trực tuyến đều đang nỗ lực mang đến cho khách hàng các sản phẩm chất lượng với giá tốt, đồng thời cải tiến dịch vụ chăm sóc khách hàng, giao hàng, đổi trả... ngày càng tốt hơn. 

Ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trong đó chiếm phần đông là giới trẻ, ưa chuộng tiêu dùng trực tuyến. Sự sôi động và cạnh tranh giữa các tay chơi trong nước không kém cạnh so với các tên tuổi lớn từ nước ngoài. 

Trước sức ép cạnh tranh gay gắt, các nền tảng thương mại điện tử chọn hướng đi đem lại lợi ích tốt nhất cho người dùng, thông qua công nghệ và những giải pháp đột phá. Điển hình tại Tiki, nền tảng này đã ứng dụng công nghệ vào tự động hóa kho bãi, đẩy nhanh thời gian giao hàng, tối ưu hóa công đoạn kiểm soát chất lượng và chống hàng giả... Đồng thời, công nghệ này cũng hỗ trợ người bán tối ưu quy trình lên đơn và bán hàng. 

"Mỗi công ty có một chiến lược riêng, nhưng suy cho cùng họ vẫn tập trung giải quyết 4 vấn đề chính: Hàng hóa nhiều, chất lượng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt", ông Sơn khẳng định.

 Ước tính, khi thị trường gia tăng quy mô lên đến 25 tỷ USD vào năm 2025, các nền tảng sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thị trường này theo hướng ngày càng chuyên sâu, thay vì mở rộng độ phủ sóng. Ông Sơn dự kiến sẽ có những sàn thương mại điện tử tập trung vào từng ngành hàng, ví dụ thời trang, để khai thác từng nhóm khách hàng cụ thể hơn.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn khẳng định thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn rất hấp dẫn. Ảnh: Thành Nguyễn.

Cơ hội nào cho những 'tay chơi' mới

Dù thị trường đã có sẵn những tên tuổi lớn, ông Sơn cho rằng vẫn còn chỗ cho những ‘tay chơi’ mới. Đó có thể là những tập đoàn tiếng tăm trên thế giới, hoặc những doanh nghiệp khởi nghiệp mang đến giải pháp "ngách" cho thị trường. 

"Thương mại điện tử là tương lai của ngành bán lẻ, và có tiềm năng trở thành là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Do đó sẽ luôn có những giải pháp, những công ty thành công, quan trọng đó là ai và bằng giải pháp gì" , ông Sơn nhấn mạnh,.

Đại diện Tiki thừa nhận, sau Tiki, có thể sẽ có những tên tuổi mới cạnh tranh trực tiếp bằng giải pháp đột phá. Ngay cả các ông lớn như Google hay Facebook cũng sẽ luôn có đối thủ cạnh tranh. Thị trường càng lớn, tính cạnh tranh càng cao, đồng nghĩa càng có nhiều cơ hội dành cho startup.

Để gia nhập cuộc chơi nhiều tiềm năng này, startup có thể chọn cung cấp giải pháp cho bên bán, giúp người bán hàng online kinh doanh dễ dàng hơn. Hoặc tìm kiếm giải pháp mới cho người dùng, giúp khách hàng mua hàng nhanh chóng với dịch vụ tốt hơn, như công cụ so sánh giá, tự động hóa bán hàng, quản lý hàng tồn kho... 

"Hệ sinh thái thương mại điện tử luôn cần những người bán 'cuốc xẻng' cho những ông đi 'đào vàng'. Do đó cơ hội còn rất nhiều và rất lớn. Khá nhiều công ty Việt Nam đang làm tốt và đây là tín hiệu đáng mừng", nhà sáng lập Tiki nhận xét.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Tiki cũng không loại trừ khả năng có những doanh nghiệp mới đương đầu trực tiếp với những ông lớn. 

"Tôi tin sẽ luôn có cơ hội và cơ hội lớn nhất sẽ đến từ những góc tiếp cận khác so với những người đi trước. Đã có những startup đang tạo đối trọng trực tiếp với Amazon, Alibaba trên thế giới. Vậy thì Việt Nam, tại sao lại không?", ông Sơn chia sẻ.

Nhà sáng lập Tiki khuyên startup cần cẩn trọng tham gia thị trường thương mại điện tử bằng giải pháp đột phá, hướng tới tăng lợi ích cho khách hàng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thách thức startup cần đối mặt

Song song với cơ hội lớn, startup cần dự trù giải pháp cho những thách thức trong ngành thương mại điện tử. Câu chuyện chấp nhận lỗ trong thời gian đầu cần xem xét cẩn trọng, để làm sao vừa xây dựng nền tảng công nghệ tốt, đảm bảo khả năng quản lý dòng tiền, khả năng gọi vốn, xây dựng đội ngũ, trong khi nền tảng phải vận hành trơn tru và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.  

Cái khó nhất với những doanh nghiệp mới là làm sao mang đến giải pháp tốt hơn những gì hiện có trên thị trường, không lặp lại những gì đã có. Ngược lại, những giải pháp mới, đột phá, cũng cần được kiểm chứng tính khả thi. Ví dụ, một số giải pháp có thể phù hợp ở thị trường nước ngoài nhưng chưa đúng thời điểm với thị trường Việt Nam. Dù đứng trước khó khăn, đại diện Tiki khuyên startup nên bám sát nguyên tắc quan trọng là giải pháp tạo ra lợi ích, giá trị gì cho người dùng. 

"Thương mại điện tử là ngành rất lớn, nhưng rất khó thành công. Nếu bạn làm tốt thì sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ luôn có những thách thức đi kèm. Thị trường sẽ luôn vận hành như thế", ông Trần Ngọc Thái Sơn khẳng định. 

Khánh Anh

Tags: Tiki Trần Ngọc Thái Sơn Thương Mại Điện Tử Startup Khởi Nghiệp