Trong một buổi hội thảo mới đây, khi được hỏi về hai từ khóa nổi bật nhất của năm 2019, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiền Lộc từng trả lời rằng theo ông “gian nan” và “dũng cảm” là hai từ khóa của năm 2019.
Theo lý giải của ông Lộc, Việt Nam đã trải qua một năm 2019 với thời tiết không thuận, có nhiều yếu tố gây bất lợi cho kinh tế Việt Nam. Và cũng theo ông Lộc, Việt Nam đã có một năm rất dũng cảm. Người Việt rất dũng cảm vươn lên, trong đó phải kể đến cộng đồng doanh nghiệp. Quy mô kinh tế Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên Việt Nam tính vào top 50 của thế giới xét theo quy mô của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang sinh sôi.
Năm 2019 Việt Nam có 140 nghìn doanh nghiệp mới, nếu tính cả các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì Việt Nam có 180 nghìn doanh nghiệp. Chúng ta cũng đã tăng được năng lực, xếp hạng cạnh tranh toàn cầu. Cải cách hội nhập có nhiều bước tiến quan trọng.
Trong buổi hội thảo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày hôm nay, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng hai từ khóa của năm 2020 và những năm tiếp theo là “gỡ bỏ” và “kết nối”, cụ thể là gỡ bỏ những rào cản và kết nối những nỗ lực phát triển, ví dụ như kết nổi FDI với doanh nghiệp nhỏ trong nước, kết nối kinh tế trong nước với kinh tế ngoài nước thông qua các FTA. Những nỗ lực kết nối cần phải được thực hiện đồng bộ với nỗ lực gỡ bỏ rào cản trong kinh doanh.
Ông Lộc cho biết VCCI rất hoan nghênh những nỗ lực cố gắng ngay từ đầu năm của chính phủ, theo nghị quyết 01 vầ nghị quyết 02 dường như chính phủ đã bắt đầu năm 2020 với chiến dịch mạnh mẽ cải cách thể chế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đã chính thức chủ trì và chỉ đạo hội nghị của các bộ ngành để thúc đẩy cải cách và phát triển, các tổ công tác đã rà soát việc triển khai các kế hoạch trong kinh doanh và các chính sách thúc đẩy cải cách thể chế đã được thành lập để thúc đẩy cải cách và như vậy đã có một nỗ lực cải cách đồng bộ từ trên xuống.
Cũng theo ông Lộc, áp lực từ bên ngoài, áp lực từ người dân, áp lực từ niềm tin cơ sở, đây chính là áp lực, động lực cho cải cách thể chế trong những năm tiếp theo.
Về kết nối FDI, ông Lộc cho rằng có hai điều cần chú ý, bản thân nhà đầu tư FDI cũng cần phải có trách nhiệm với quê hương thứ 2 của mình và năng lực của SME trong nước, cần đến sự kết nối hai đầu. Ông Lộc nhấn mạnh rằng doanh nghiệp FDI cần nhìn nhận việc kết nối với SME trong nước như trách nhiệm xã hội của mình.
Doanh nghiệp FDI không nên chỉ có trách nhiệm tuân thủ pháp luật mà cần phải có trách nhiệm kết nối với doanh nghiệp trong nước để đầu tư có thể ăn sâu bám rễ tại nước sở tại.
Ông Miura Nobufumi, chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cũng đưa ra một số nhận xét của ông về môi trường đầu tư Việt Nam và một số kiến nghị với chính phủ Việt Nam.
Theo ông Miura, Việt Nam cần đưa ra những ưu tiên rõ ràng hơn, ví như ưu tiên sức khỏe môi trường hơn so với phát triển công nghiệp. Vấn đề thiếu hụt điện, đường sân bay ngày một khó khăn hơn tại Việt Nam, việc triển khai PPP sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cần đến một cơ chế như thế nào đó để giảm được rủi ro cho các bên. Ngoài ra cần phải xem xét đến quy định về góp vốn nhà nước.
Ông Miura cho rằng cần phải ổn định môi trường pháp lý, vẫn có trường hợp mà lợi ích hợp lý của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài chưa được bảo vệ đầy đủ, có thể đây là lý do mà nhà đầu tư nước ngoài ngại ngần đầu tư bất chấp các chính sách hỗ trợ của chính phủ. Vì vậy chính phủ Việt Nam cần xây dựng hệ thống pháp luật để doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong môi trường ổn định về pháp luật. Nghị định 82 với các điều khoản phù hợp trong quá khứ cũng cần phải được điều chỉnh.
Ngọc Diệp