Chứng khoán hậu Covid-19 có nhiều ẩn số

Chứng khoán hậu Covid-19 có nhiều ẩn số
Với giả định dịch bệnh kết thúc vào mùa hè và kinh tế hồi phục nhanh, có thể dòng tiền ngoại sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, lúc này những ẩn số khác sẽ lại khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc.

Thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 4 đến nay đã phục hồi trên diện rộng mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2020 của các doanh nghiệp được dự báo suy giảm và có khả năng còn tệ hơn trong quý II.

Sau khi các ca nhiễm mới tại các nước châu Âu, Mỹ có xu hướng giảm và số ca chữa khỏi tại Việt Nam tăng lên, các nhà phân tích đã đặt ra kỳ vọng và những kịch bản về sự hồi phục của nền kinh tế theo mô hình chữ V, L, W, U, hay dạng chữ “Nike”.

Những ẩn số ngoại

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Với Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định, tăng trưởng kinh tế quý II/2020 sẽ không còn khả quan như quý I do nền kinh tế sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, tại báo cáo mới đây của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI, dựa trên phân tích những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam trong 12 năm vừa qua cùng diễn biến dịch bệnh, khả năng ứng phó nền kinh tế có thể hồi phục theo mô hình chữ V.

Theo đó, nền kinh tế sẽ xuống đáy trong quý II với mức giảm cực lớn, khi dịch bệnh được kiểm soát vào mùa hè và các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả, tăng trưởng sẽ hồi phục trong quý III và nhanh hơn trong quý IV, từ nửa cuối năm 2021 tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo ổn định.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của SSI lại cho rằng, kinh tế có thể tích cực trong dài hạn nhưng chỉ số chứng khoán thường không phản ánh được triển vọng quá một năm. Điều này có nghĩa dù mô hình kinh tế hồi phục là chữ V, xu hướng của thị trường trong năm 2020 chưa chắc cũng là chữ V.

Một biến số quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng của Vn-Index là dòng tiền nước ngoài. Với nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như quỹ ETF, việc bỏ tiền vào Việt Nam nhiều lúc không phải do Việt Nam thực sự nổi bật, mà đơn giản là họ phân bổ tài sản theo chiến lược toàn cầu. Khi thấy rủi ro cao, họ sẽ rút vốn, còn khi rủi ro thấp sẽ đi đầu tư ở các thị trường mới nổi và Việt Nam.

Với giả định dịch bệnh sẽ kết thúc vào mùa hè và kinh tế hồi phục nhanh, có thể dòng tiền sẽ quay lại các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, lúc này những ẩn số khác là bầu cử Tổng thống Mỹ hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ lại khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc.

Vì vậy, không có gì chắc chắn dòng tiền nước ngoài sẽ sớm quay trở lại ngay cả khi dịch bệnh đã kết thúc. Một kịch bản khả dĩ cho thị trường chứng khoán Việt trong mô hình chữ V là hồi phục nhẹ từ đáy rồi tích lũy trong vong 2-3 quý. Đầu năm 2021 có thể có sóng với điều kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử và dịch bệnh không quay trở lại.

Thị trường chứng khoán là nơi luôn có nhiều bất ngờ (Ảnh: Internet)

Luôn có những bất ngờ

Thực tế, thị trường chứng khoán là nơi luôn có những bất ngờ. Điều đó được chứng minh bằng sự lệch pha trong giao dịch giữa 2 khối đầu tư: trong khi khối ngoại tăng cường bán ròng thì khối nội lại hồ hởi mua vào với mức mua ròng lên rới gần 1.900 tỷ đồng trong quý I/2020.

Động thái này chứng tỏ dòng tiền trong nước đã ổn định hơn, hấp thụ hết lượng cổ phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ra, do kỳ vọng phục hồi kinh tế đến sớm hơn. Theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dòng vốn nội mua ròng cổ phiếu vừa qua không phải dòng tiền nóng như thường thấy mà mang tính đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn.

Mặc dù cần thời gian để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 kết thúc, nhưng VCBS vẫn tin tưởng vào triển vọng của khối doanh nghiệp Việt Nam.

Sự đình trệ đầu tư, sản xuất hiện tại chỉ mang tính gián đoạn tạm thời và đà phục hồi sẽ trở lại nhiều hơn. Do vậy, dòng tiền mang tính “nội lực” thực sự đang xuất hiện, sẽ giúp thị trường có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm.

Trước đó, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Hội sở Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng đưa ra quan điểm cá nhân cho rằng, dựa trên 2 kỳ vọng nền tảng là kiểm soát đại dịch và các gói kích cầu hỗn hợp, thị trường đã hình thành một sóng hồi rõ nét từ vùng đáy 650 điểm giữa tháng 3 đến nay.

Ðà tăng vừa qua khiến định giá của thị trường phục hồi lên vùng P/E là 11,8 lần so với mức đáy quanh 10 lần được thiết lập trước đó - là mức định giá hợp lý.

“Vì vậy, vùng điểm số Vn-Index sẽ nương theo dao động vào định giá tương đối này và sẽ kết thúc giai đoạn biến động siêu mạnh trước đó để chuyển sang một giai đoạn mới, gọi là Thích nghi và Phân hoá”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, có 2 phân khúc ngành được hưởng lợi và thời gian hưởng lợi cũng khác nhau gồm nhóm “buộc phải cứu” là ngân hàng, bất động sản, hàng không, năng lượng, tuy nhiên mức độ hưởng lợi là ngắn hạn; phân khúc thứ hai là dài hạn nằm ở những nhóm ngành hưởng lợi từ nhu cầu bùng phát và kéo dài của hậu đại dịch này như: thiết bị y tế, dược phẩm, nông lâm thuỷ hải sản và bất động sản khu công nghiệp...

Thời điểm đầu tư thích hợp là khi tận dụng được cơ hội phân hoá của thị trường để gia tăng tích luỹ. Sóng dài cho nhóm thứ hai này có thể kỳ vọng lên tới 30-50% lợi nhuận, nhờ khả năng dòng tiền hội tụ theo tâm lý và nhóm ngành.

Linh Đan

Tags: Chứng Khoán Hậu Covid-19 Kinh Tế Hồi Phục Thị Trường Chứng Khoán Tăng Trưởng Kinh Tế Dịch Bệnh Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Khối Ngoại Mở Cửa Nền Kinh Tế Suy Thoái Khủng Hoảng