Điều khoản lạ trong đợt phát hành trái phiếu mới của CII

Điều khoản lạ trong đợt phát hành trái phiếu mới của CII
Kế hoạch phát hành trái phiếu mới của CII đưa ra không lâu sau khi doanh nghiệp này mua lại khoản trái phiếu 40 triệu USD của quỹ Hàn Quốc hồi đầu tháng 1/2020.
Trái chủ của CII muốn nhận được cam kết có nguồn trả nợ thay thế bằng vốn cổ đông trong kịch bản xấu
Trái chủ của CII muốn nhận được cam kết có nguồn trả nợ thay thế bằng vốn cổ đông trong kịch bản xấu

Áp lực pha loãng cổ phiếu nếu kịch bản xấu xảy ra

CTCP Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP.HCM (mã CII) đang lên kế hoạch cho phương án phát hành trái phiếu mới, tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Theo tổng thể phương án đã được HĐQT thông qua, trái phiếu sẽ được phát hành riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản. Kỳ hạn của trái phiếu là 3 năm, mức lãi suất hiện cụ thể chưa được thông qua nhưng sẽ áp theo hình thức lãi suất cố định.

“Ước tính kế hoạch dòng tiền trong 3 năm tới, CII sẽ thu về được khoảng 10.000 tỷ đồng”, lãnh đạo CII nêu trong phương án phát hành trái phiếu. Nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh này sẽ là nguồn trả nợ trái phiếu và CII cho biết sẽ “đảm bảo đủ nguồn để trả nợ”.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của trái chủ, CII cần có phương án để dự phòng cho nguồn trả nợ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều kiện kèm theo trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu là phát hành thêm cổ phiếu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ CII thêm 2.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, thẩm quyền quyết định tăng vốn điều lệ của một doanh nghiệp thuộc về đại hội đồng cổ đông. Một yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền là quyết định thông qua của đại hội đồng cổ đông.

Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thông thường như kế hoạch tới đây của CII chỉ cần HĐQT phê duyệt. Tuy nhiên, đối với cam kết kèm theo, HĐQT chỉ có thể trình mà không có thẩm quyền quyết định.

Trả lời Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Trà - Giám đốc Tài chính của CII cho biết, Công ty và trái chủ vừa qua đã có những trao đổi sơ bộ. Về điều kiện kèm theo liên quan đến việc phát hành trái phiếu như một phương án trả nợ thay thế trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, hai bên sẽ tiếp tục thương thảo đối với việc có cần đại hội đồng cổ đông quyết nghị trước hay không.

Với mức vốn điều lệ đạt hơn 2.830 tỷ đồng, CII sẽ tăng vốn gấp 1,7 lần hiện tại nếu phương án phát hành hành được thực hiện ở thời điểm 3 năm tới. Khi nguồn thu hoạt động kinh doanh “vỡ” kế hoạch cùng việc quy mô vốn điều lệ tăng nhanh trong trường hợp CII chào bán được số cổ phiếu cho các cổ đông, áp lực cổ phiếu bị pha loãng sẽ trở nên rõ ràng ở kịch bản này.

Hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đến hạn trong 12 tháng tới

Đến cuối năm 2019, quy mô trái phiếu phát hành của CII đạt 2.540 tỷ đồng. Trong đó hơn 2.000 tỷ đồng sẽ phải tất toán trong 12 tháng tới. CII cũng phát hành trái phiếu chuyển đổi nhưng dư nợ trái phiếu đã giảm khá mạnh trong năm. Đối với số trái phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu và CBCNV hồi tháng 6/2014 với tổng giá trị phát hành 1.081 tỷ đồng, gần 10% số này đã được trái chủ chuyển đổi thành cổ phiếu. Còn 817,5 tỷ đồng đã được tất toán trong năm.

Một đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi khác với tổng giá trị phát hành là 60 triệu USD được CII thực hiện năm 2017 cho Rhinos Vietnam Convertible Bond Private Investment Fund No.1, một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, quỹ này đã quyết định nhận lại tiền sớm đối với khoản cho vay 40 triệu USD. Vào tháng 7/2020, 3 năm kể từ sau ngày phát hành, quỹ đầu tư này cũng sẽ có quyền chọn mua lại trước hạn hoặc không đối với số trái phiếu còn lại

Bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty Năm Bảy Bảy

Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) của CII năm 2019 đạt mức khá cao (2.760 đồng/cổ phiếu) nhờ lợi nhuận sau thuế cao gấp 4,98 lần. Tuy nhiên, nếu bóc tách cụ thể nguyên nhân, tăng trưởng lợi nhuận của quý IV/2019 và cả năm lại đến từ khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đột biến hơn 1.331 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động kinh doanh chính lại giảm 32% so với cùng kỳ, chủ yếu do giảm nguồn thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản.

Từ năm 2019, CII bắt đầu hợp nhất tình hình tài chính với CTCP Năm Bảy Bảy sau khi nâng tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp này lên trên 50%. Hơn 4.939 tỷ đồng bất động sản dở dang đã được ghi nhận thêm trong giá trị tồn kho của CII năm 2019. Trong đó, số tiền đã đầu tư lớn nhất được đổ về dự án khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside (1.633 tỷ đồng).

Tương tự CII, khoản thu nhập đột biến từ chuyển nhượng tài sản đóng góp 255 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận trước thuế gần 440 tỷ đồng của Năm Bảy Bảy. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chưa bằng 1/3 cùng kỳ năm trước.  

Thanh Thủy

Tags: Điều Khoản Phát Hành Trái Phiếu Doanh Nghiệp Hàn Quốc Kế Hoạch Dòng Tiền