Tăng trưởng kinh tế là “bàn đạp” cho DN phát triển
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp (kể từ năm 2011), tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Trong đó, động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%). Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tăng cao. Do đó, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh là mục tiêu các nhà đầu tư vạch ra nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cho phép doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng và năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Theo đó, việc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp còn nhằm mục đích nâng cấp công nghệ phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.
Ở quy mô các ngành công nghiệp sản xuất, sự mở rộng đồng nghĩa với việc nâng công suất nhà máy. Theo quy trình, sau khi một doanh nghiệp xây dựng nhà máy cơ sở, vận hành có đánh giá tác động môi trường, hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về an toàn, sẽ tiếp tục thực hiện bước nâng cấp, mở rộng.
Trong xu thế đó, nhiều doanh nghiệp đã có phương hướng mở rộng quy mô đi cùng với việc đảm bảo vận hành hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Cùng với nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung, ngành giấy được đánh giá là có nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất, đặc biệt là giấy bao bì. Tại Việt Nam, giấy bao bì là sản phẩm chính, chiếm gần 50% tổng tiêu thụ toàn ngành giấy. Theo thống kê của VPPA, trong năm 2019, tiêu dùng giấy bao bì trong nước ước tính đạt sản lượng 4,175 triệu tấn, xuất khẩu đạt 0,801 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 1,225 triệu tấn.
Trong số gần 300 doanh nghiệp giấy đang hoạt động tại Việt Nam, số doanh nghiệp có thể sản xuất giấy bao bì chất lượng cao và có công suất lớn là rất ít. Đa phần các doanh nghiệp có công suất sản xuất dưới 100.000 tấn giấy/năm với nguồn vốn hạn chế, công nghệ, máy móc cũ kĩ. Nếu xét về khả năng cạnh tranh thì theo ông Phan Chí Dũng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương thì hiện nay các doanh nghiệp FDI khả năng cạnh tranh tốt hơn vì quy mô nhà máy lớn, công nghệ hiện đại, năng suất cao, giá thành tốt hơn.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường khả năng nâng công suất nhà máy với nhóm doanh nghiệp FDI này tương đối cao. Do họ có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ sản xuất hiện đại và đặc biệt là họ sẵn sàng đầu tư mạnh vào hệ thống xử lý thải để đảm bảo đạt chuẩn theo Quy định của Nhà nước.
Sức bật cho nền kinh tế địa phương
Việc một doanh nghiệp tính đến phương án nâng công suất, mở rộng quy mô sẽ là tín hiệu tích cực cho thấy sự hiệu quả và khả năng gắn bó lâu dài của doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.
Trong câu chuyện của ngành giấy ở thời điểm hiện tại, Lee & Man là nhà máy giấy có quy mô thuộc hàng lớn nhất khu vực ĐBSCL, đồng thời thuộc 1 trong 3 nhà máy có công suất lớn nhất nước, đạt 420.000 tấn/năm. Thế mạnh của doanh nghiệp này là sản xuất giấy bao bì chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
VPPA nhận định, trong năm 2020, giấy bao bì trong nước có nhiều cơ hội phát triển nhờ sự gia tăng nhu cầu sử dụng phục vụ đóng gói xuất khẩu. Tiêu dùng giấy bao bì trên thế giới và khu vực Châu Á dự báo tăng trưởng lần lượt 2,9 và 3,8%. Mặt khác, xuất khẩu giấy bao bì và bao bì giấy có nhiều cơ hội vào thị trường ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại mới CPTPP, Việt Nam – EU và các hiệp định phát triển sâu, toàn diện. Với tình hình rất ít doanh nghiệp trong nước sản xuất được loại giấy này, nếu mở rộng, Lee & Man hoặc các doanh nghiệp lớn khác sẽ góp phần lớn trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy bao bì ngày càng cao từ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, việc đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn môi trường khi mở rộng quy mô sản xuất là vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý. Ông Patrick Chung – TGĐ Lee & Man Việt Nam cho biết: “Công ty đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường thông qua việc đầu tư nghiêm túc vào các công trình xử lý nước thải.” Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải xây dựng tại nhà máy Hậu Giang là hệ thống hiện đại của ngành công nghiệp giấy trên thế giới, cho phép ngăn ngừa các tác động xấu đến môi trường. Nước thải của nhà máy sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao hơn chuẩn xả thải cho phép đối với ngành công nghiệp giấy.
Đứng trước nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, mở rộng sản xuất không còn là câu chuyện đảm bảo quy mô và chiến lược phát triển của riêng doanh nghiệp mà còn giúp địa phương, quốc gia tăng sức bật về kinh tế.
P.V