Theo một bài báo của CNBC, các chỉ số về chế tạo và thương mại được Chính phủ Mỹ công bố ngày 8/1 được xem là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2020. Ông Chris Rupkey, Trưởng bộ phận kinh tế tài chính của Ngân hàng MUFG Union Bank (Mỹ), nhận xét được CNBC dẫn lại: "Nền kinh tế Mỹ tốt hơn bạn nghĩ, hãy đặt cược vào nó".
Một trong những lý do mang lại tâm lý lạc quan là việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, sẽ được ký kết ngày 15/1, cũng như việc Tổng thống Donald Trump hồi cuối năm 2019 đã ký đưa vào thực thi hiệp định thương mại với Mexico và Canada. Theo CNBC, ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Hãng tư vấn và nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, đánh giá: "Dường như các hãng đã phản ứng ngay lập tức và tích cực về tin liên quan đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ ngăn chặn việc áp đặt thêm các mức thuế cao hơn đối với hàng tiêu dùng".
Phát biểu với tờ Washington Post hồi tháng 12 vừa qua, ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, dự báo thuế quan sẽ ổn định hơn trong một thời gian và một số trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế bị loại bỏ, "điều đó sẽ có tác động tích cực mạnh mẽ đối với nền kinh tế Mỹ". Ông Ed Yardeni, Chủ tịch hãng Yardeni Research chuyên về phân tích và chiến lược đầu tư toàn cầu, nhận định căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nước khác giảm là nằm trong xu thế các căng thẳng địa chính trị nói chung sẽ giảm trong năm 2020 so với năm trước, trong đó có việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Về chính trị trong nước Mỹ, năm 2020 chắc sẽ vẫn là bầu không khí gay gắt như năm 2019. Ông Yardeni nhận định: "Nền kinh Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tốt bất chấp những sự ồn ào phát ra từ Washington". Trên nền tảng đó, ông Yardeni dự đoán xác suất Mỹ bị suy thoái là 0%, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực là khoảng 2% trong khi lạm phát sẽ dưới 2%.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business Network, Neel Kashkari - Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Minneapolis cũng dự báo không có suy thoái. Ông Kashkari nói: "Chắc chắn là trong dự báo hiện nay của tôi, suy thoái sẽ không xảy ra trong năm 2020". Tương tự, ngân hàng J.P. Morgan kỳ vọng rằng trong năm 2020, kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái và lạm phát không tăng đột biến. Các nhà kinh tế khác cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2020. Tốc độ này đủ vững chắc để bảo đảm tỷ lệ thất nghiệp chỉ giữ ở gần mức thấp trong nửa thế kỷ qua là 3,5%. Tờ Washington Post đưa ra đánh giá tình hình như vậy có thể có lợi cho chiến dịch vận động bầu cử của ông Trump vì chưa có Tổng thống nào kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai bị thất cử nhiệm kỳ hai khi tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 7,4%. Chuyên gia Yardeni cũng dự báo sẽ không có sự thay đổi đột biến về lãnh đạo trong Nhà Trắng, hay nói cách khác, Tổng thống Trump sẽ tại vị trong nhiệm kỳ thứ hai.
Trong bối cảnh có những dự báo tích cực pha lẫn thận trọng, tạp chí Forbes đăng ý kiến của ông Alejandro Chafuen, Giám đốc Điều hành mảng quốc tế thuộc Viện Acton, lưu ý rằng vẫn cần tính đến tác động từ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ông Chafuen nói: "Xét đến thực tế là hầu hết các ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ đều hứa hẹn sẽ đảo ngược các chính sách về giảm thủ tục và thuế của Chính quyền Trump, các tác nhân kinh tế hiện đối mặt với kịch bản gồm lo sợ, bất định và hoài nghi". Ông Chafuen cũng là Chủ tịch Hội Philadelphia chuyên về thảo luận tư tưởng. Mặc dù vậy, ông Chafuen nhất trí rằng không có dấu hiệu kinh tế nào cho thấy sẽ có khủng hoảng trong ngắn hạn. Vì vậy, ông nói rằng "nền kinh tế Mỹ, giống như một con tàu khổng lồ di chuyển chầm chậm, sẽ tiếp tục tiến lên và đi trước hầu hết các nền kinh tế phương Tây khác".
Vĩnh Hà