Đức và Pháp ngày 18/5 đã đề xuất những trọng điểm cho quỹ tái thiết Liên minh châu Âu (EU) trị giá 500 tỷ euro nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đối với các nền kinh tế khu vực.
Theo đề xuất này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhận khoản nợ 500 tỷ euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhất và nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen là thuyết phục các nước thành viên về dự án.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định quỹ phục hồi nêu trên sẽ không phải dưới dạng các khoản cho vay mà là trợ cấp. Do đó, khoản tiền này sẽ không phải hoàn trả bởi các nước thụ hưởng.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự cần thiết và công bằng của quỹ tái thiết sẽ được dần hoàn trả thông qua một số ngân sách của EU trong tương lai.
Bà cũng đánh giá đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử EU và chỉ có cùng hợp tác, châu Âu mới có thể nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng.
Với đề xuất trên, Đức và Pháp đã bỏ qua chương trình có tên gọi “trái phiếu corona” vốn gây tranh cãi, thay vào đó đảm bảo nguồn vốn từ các cơ chế tài chính hiện tại của châu Âu.
Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu từ Italy và các nước Nam Âu khác do không phải tăng thêm gánh nặng nợ quốc gia.
Theo Tổng thống Macron, các quỹ tái thiết nên dành cho "các ngành và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất," như ngành du lịch của Italy có thể nhận được hỗ trợ trực tiếp.
Thủ tướng Đức Merkel cũng thừa nhận rằng về mặt kỹ thuật không dễ triển khai kế hoạch này, đặc biệt liên quan tới tính pháp lý và Quốc hội các nước sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc triển khai.
Thủ tướng Merkel ban đầu dự định tăng cường ứng phó khủng hoảng với những đóng góp cao hơn cho ngân sách EU.
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán, ngoài Đức và một số nước Bắc Âu, khó có quốc gia EU nào hiện có thể đóng góp lớn hơn do cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp, quỹ 500 tỷ euro được đề xuất sẽ bổ sung cho ngân sách EU tương lai giai đoạn 2021-2027 phù hợp với các hiệp ước của EU.
Trong những phản ứng đầu tiên về đề xuất trên, Chủ tịch EC Von der Leyen đánh giá đề xuất này mang tính xây dựng, trong khi Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz cũng hài lòng với đề xuất mới chỉ trong một thời gian ngắn sau các quyết định của nhóm Eurogroup.
Chuyên gia Lucas Guttenberg thuộc trường quản trị Hertie ở Berlin cũng nhận định đây là hướng đi đúng nhằm tài trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng thông qua các khoản nợ chung, bởi kế hoạch có thể giúp đạt được khối lượng cần thiết trong khi các nước thành viên không cần phải tăng đóng góp ồ ạt trong bối cảnh suy thoái do đại dịch./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)