Đường sắt giữa vòng vây đường bộ, hàng không
Báo cáo hoạt động năm 2019, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin, tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch. Cụ thể, dự kiến toàn tổng công ty, sản lượng đạt hơn 8.402 tỷ đồng, bằng 100,5% so với cùng kỳ 2018, bằng 98,1% kế hoạch; Doanh thu hơn 8.191 tỷ đồng, bằng 100% cùng kỳ, bằng 97,2% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động 9,12 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, Công ty mẹ, doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng, bằng 93,1% so với cùng kỳ, đạt 97,3% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 13,9 tỷ đồng. Khối vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 4.273,3 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ và 92,5% kế hoạch do các công ty vận tải xây dựng.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm của ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, một số hệ thống văn bản dưới Luật, Nghị định chưa hoàn thiện, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý sử dụng đất chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản suất kinh doanh của VNR.
Đặc biệt, theo ông Minh, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn và trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...
Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế nên một số điểm hạn chế tải trọng chưa được giải quyết; vốn sự nghiệp kinh tế dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ đạt 40% gây nguy cơ mất ATGT đường sắt...
Trong khi đó, hiện nhiều địa phương đều đề xuất di dời đường sắt ra khỏi nội đô, nếu việc này được triển khai thì sẽ còn gây khó khăn rất nhiều cho ngành.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhìn nhận, khó khăn lớn nhất đối là công tác quản trị, phải cạnh tranh với các phương thức GTVT khác trong khi điều kiện, cơ sở để có khả năng phát triển còn hạn chế. “Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có vận tải nên rất khó khăn”, bà Hà nói.
Doanh nghiệp muốn đầu tư không được
Ông Vũ Anh Minh thẳng thắn nhìn nhận, năm 2019 kết quả chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt vào các năm 1979, 1984 và 2019. Một trong những nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế để đầu tư, phát triển hạ tầng đường sắt. Kết cấu hạ tầng trực tiếp và nhà ga đều của Nhà nước, nhưng không có cơ chế để doanh nghiệp tự đầu tư.
“Nhà nước không có vốn, nhưng doanh nghiệp có tiền cũng không thể bỏ ra để đầu tư. Đơn cử, ga Sông Lũy, chỉ cần hơn 30 tỷ để làm thêm đường sắt, kéo dài đường ga, sẽ tạo thuận lợi mỗi năm tăng được hai trăm tỷ doanh thu nhưng do vướng cơ chế nên không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn”, ông Minh dẫn chứng.
Ông Minh cho hay, để tháo gỡ khó khăn, cần có sự thay đổi tư duy và nhìn nhận của xã hội đối với lĩnh vực này, trước tiên là tư duy từ những người làm đường sắt. Luật Đường sắt 2017 đã khẳng định phương thức vận tải đường sắt là phương thức vận tải chủ đạo. Tuy vậy, cần có các cơ chế, chính sách từ Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương để thúc đẩy ngành đường sắt phát triển.
“Không thể một sớm một chiều thay đổi được cơ chế chính sách, thay đổi được tư duy, nhìn nhận của cả xã hội, nhưng đường sắt cần kiên trì, bền bỉ và nỗ lực hơn để thành công”, ông Minh nói.
Ngân Tuyền