Trong thông cáo của mình, Facebook cho hay đã xóa bỏ 13 tài khoản và 10 page vì vi phạm chính sách của mạng xã hội này. Facebook cho hay những hoạt động vi phạm này có nguồn gốc từ Myanmar và Việt Nam.
Theo mạng xã hội này, các cá nhân đứng sau mạng lưới các page và tài khoản trên đã sử dụng các tài khoản giả để điều hành các page dưới dạng những trang tổng hợp thông tin viễn thông tiêu dùng độc lập.
Những cá nhân này cũng giả làm khách hàng của nhà mạng khác tại Myanmar để đăng tải bình luận chỉ trích những nhà mạng này cũng như dịch vụ mà họ cung cấp.
"Những người điều hành các page và tài khoản trên thường chia sẻ nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Myanmar cáo buộc việc một vài nhà mạng tại Myanmar kinh doanh thất bát và có ý định rút khỏi thị trường cũng như cáo buộc những hoạt động gian lận của với khách hàng", Facebook cho biết.
"Dù những người đứng sau hoạt động này đã cố giấu danh tính và sự liên quan, cuộc điều tra của chúng tôi đã phát hiện mối liên hệ tới hai nhà mạng - Mytel tại Myanmar và Viettel tại Việt Nam - với Gapit Communications, một doanh nghiệp PR tại Việt Nam", theo thông cáo của mạng xã hội này.
Cũng theo Facebook, mạng lưới vi phạm có tới 265.600 tài khoản theo dõi ít nhất một hoặc nhiều page trên. Đã có khoảng 1.155.000 USD đổ vào quảng cáo trên Facebook từ nhóm trên được thanh toán bằng USD và VND.
Facebook cũng đăng tải một vài bài đăng điển hình về việc Mytel sử dụng tin giả để công kích đối thủ cạnh tranh. Trong đó có bài đăng cáo buộc ví điện tử của đối thủ là "ăn cướp chuyên nghiệp", đã được 6 trang trong mạng lưới trên đăng tải chỉ trong khoảng 3 phút.
Một bài đăng khác được Facebook lấy làm ví dụ là bài đăng kêu gọi cộng đồng công kích việc một nhà mạng tại Myanmar bỏ chương trình khuyến mại cho thuê bao mới và khuyến mại nạp thẻ.
Theo nhóm điều tra từ DFRLab, một trong những chiến dịch công kích bài bản nhất mà nhóm này dùng để tấn công các nhà mạng đối thủ trên mạng xã hội là chiến dịch *31#. Theo đó, nhóm tài khoản giả của Mytel đã đăng tải quảng cáo về việc nếu khách hàng quay số *31# sẽ nhận được 10 GB data tốc độ cao miễn phí. Những quảng cáo này nhắm tới người dùng của các nhà mạng đối thủ với bài đăng được thiết kế sử dụng màu tương tự bộ nhận diện của các nhà mạng này.
Tuy nhiên cú pháp quay số *31# là cú pháp khóa cuộc gọi đi, dẫn tới việc hàng loạt người dùng viễn thông Myanmar không thể thực hiện cuộc gọi và cũng không hề nhận được 10 GB data tốc độ cao từ nhà mạng mình đang dùng do đây là quảng cáo giả.
Ngay sau đó, trang mạng xã hội chính thức của Mytel đã đăng tải bài viết về cách giải quyết tình trạng không thực hiện được cuộc gọi bằng việc sử dụng cú pháp #31#, cú pháp mở khóa cuộc gọi. Nhờ bài đăng, Mytel xuất hiện với vai trò cứu tinh trong mắt người dùng.
Bốn tài khoản trong mạng lưới trên đã đăng tải gần như cùng lúc bài đăng mở màn chiến dịch *31#. Sau đó 3 giờ đồng hồ, có thêm 6 tài khoản khác cũng đăng tải bài viết tương tự.
Trước cáo buộc từ Facebook và các bên liên quan, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khẳng định doanh nghiệp này luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật và các quy tắc đạo đức trong kinh doanh.
"Viettel luôn yêu cầu tất cả đơn vị thành viên của mình chấp hành nghiêm túc chủ trương này. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra các cáo buộc trên và sẵn sàng hợp tác với Facebook. Viettel sẽ tiến hành xử lý nếu phát hiện sai phạm", công ty viễn thông quân đội cho biết.
Nhà mạng cũng khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Facebook làm trong sạch môi trường mạng. Viettel kỳ vọng chiến dịch của Facebook sẽ không dừng lại ở các nước và các tổ chức được nêu trong thông báo.
Đồng thời, hãng viễn thông Việt Nam cũng khẳng định mong muốn Facebook sẽ hướng dẫn các công ty chấp hành đúng các quy định với tinh thần hợp tác, tránh đơn phương đưa ra các cáo buộc.
Mytel là nhà mạng liên doanh giữa Viettel và doanh nghiệp địa phương tại Myanmar. Sau 1,5 năm chính thức kinh doanh, Mytel đã chính thức cán mốc 8 triệu khách hàng, chiếm 22% thị phần viễn thông di động. Qua đó, công ty đứng thứ 3 thị trường và trở thành một trong những thương hiệu viễn thông có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Myanmar.
Hồng Khang