Người sáng lập mạng xã hội Facebook CEO Mark Zuckerberg khẳng định ủng hộ kế hoạch của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) điều chỉnh cách đánh thuế các hãng công nghệ toàn cầu, ngay cả khi cải cách khiến các công ty như Facebook Inc. phải trả nhiều tiền thuế hơn.
Trong văn bản chuẩn bị cho bài phát biểu tại hội nghị an ninh diễn ra tại Munich (Mu-ních), Đức ngày 15/2, ông chủ Facebook nhấn mạnh công ty này cũng mong muốn cải cách thuế và hoan nghênh việc OECD xem xét khả năng này.
Facebook mong muốn quy trình của OECD sẽ thành công, từ đó tạo ra một hệ thống thuế ổn định và đáng tin cậy cho tương lai.
CEO Zuckerberg cũng khẳng định Facebook tuân thủ mọi hệ thống thuế công nghệ mới mà OECD ban hành kể cả khi công ty phải trả nhiều tiền thuế hơn, ở nhiều nơi hơn.
Thuế công nghệ nổi lên như một vấn đề gây mâu thuẫn chính giữa Mỹ và Pháp sau khi Paris quyết định áp đặt luật thuế riêng với các hãng công nghệ lớn, trong đó có nhiều công ty đến từ Mỹ như Facebook, Google, Amazon và Apple.
Washington chỉ trích động thái này mang tính phân biệt, chủ yếu nhắm tới các công ty Mỹ. Tuy nhiên, hồi tháng trước, hai bên đã nhất trí sẽ hướng tới một khuôn khổ pháp lý toàn cầu dưới sự bảo trợ của OECD.
Theo đó, Pháp đã hoãn việc việc thu thuế công nghệ tới tháng 12/2020. Tuy nhiên, mới đây, Anh đã tuyên bố sẽ triển khai kế hoạch thuế công nghệ của nước này bất chấp nguy cơ tác động tới khả năng ký kết thỏa thuận thương mại song phương sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Vấn đề cũng trở nên phức tạp hơn sau khi Mỹ đề xuất phương án "cảng an toàn" (safe habour) mà giới phân tích cho rằng sẽ theo hướng cho phép các công ty được lựa chọn và làm cản trở cơ hội đạt được một thỏa thuận đồng bộ vào cuối năm nay.
Trước mắt, các nhà đàm phán của OECD sẽ phải đưa ra những nội dung chính sách thuế công nghệ cơ bản để đại diện của 137 quốc gia thảo luận và đi đến thống nhất trong cuộc họp đầu tháng 7 tới.
Hôm 13/2, OECD cho biết theo những cải cách thuế đang được thảo luận, thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng thêm 4% (tương đương 100 tỷ USD) mỗi năm.
Và các nền kinh tế có mức thu nhập cao, trung bình hay thấp đều sẽ hưởng lợi tương đương nhau.
Mục đích của cải cách là đảm bảo các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ phải nộp thuế tại những nơi mà họ có hoạt động bền vững và đáng kể dù không có hiện diện cơ sở vật chất.
Cải cách này sẽ chấm dứt tình trạng hiện đang phổ biến tại châu Âu là những công ty đa quốc gia có các hoạt động kinh doanh trực tuyến tại nhiều quốc gia nhưng chỉ chọn đặt trụ sở tại những quốc gia đánh thuế thấp như Luxembourg hoặc Ireland để tối thiểu hóa các khoản chi tài khóa./.
Lê Ánh