Giá vàng tuần từ 11-15/5: Đà tăng chững lại?

Giá vàng tuần từ 11-15/5: Đà tăng chững lại?
Nhu cầu vàng vật chất tiếp tục suy giảm, có thể khiến đà tăng của giá vàng chững lại trong tuần từ 11-15/5.

Trong tuần này, giá vàng quốc tế gần như chỉ đi ngang trong biên độ khá hẹp từ 1.681- 1.723USD/oz và đóng cửa ở mức 1.703USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng dao động trong biên độ hẹp, từ 48,2- 48,5 triệu đồng/lượng và đóng cửa tuần ở mức 48,25 triệu đồng/lượng, với khối lượng giao dịch rất nhỏ giọt.

Dù kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu kém khả quan, nhưng giá vàng quốc tế cũng chỉ tăng lên 1.723USD/oz rồi quay đầu giảm xuống vùng 1.700USD/oz do áp lực chốt lời tăng mạnh và một lượng vốn lớn chuyển từ vàng sang chứng khoán.

Số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 4 cuả Mỹ giảm 20,5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 14,7%- mức cao nhất kể từ năm 1930. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống mức 60,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 1/1973.

Trong khi đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ của Mỹ cũng đáng báo động, vì các chỉ số PMI dịch vụ và công nghiệp đều nằm sâu xuống dưới mức 50 điểm.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến tiêu cực, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2020 có thể sẽ âm tới 10-14%.

Trước bối cảnh trên, các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất xuống mức âm để kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện qua giá hợp đồng giao dịch kỳ hạn vốn liên bang tháng 1/2021 đã vượt 100 lên mức 100,005. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường là một chuyện, còn việc FED giảm lãi suất xuống mức âm hay không là chuyện khác. Bởi việc duy trì chính sách lãi suất âm cũng có những tác động tiêu cực.

Thứ nhất, người dân sẽ rút tiền gửi ngân hàng để giữ tiền ở nhà, khiến ngân hàng thiếu hụt thanh khoản. Trong khi đó, ngân hàng cũng sẽ giảm cho vay, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Thứ hai, chính sách lãi suất âm sẽ khiến niềm tin tiêu dùng giảm mạnh, khiến việc kích cầu gặp khó khăn.

Thứ ba, vốn sẽ đổ vào các kênh đầu tư rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế.

Thứ tư, việc duy trì chính sách lãi suất âm sẽ làm suy yếu USD, qua đó hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng sẽ làm bùng phát áp lực lạm phát. Kinh tế Nhật rơi vào tình trạng giảm phát nhiều năm nay, nên việc áp dụng chính sách lãi suất âm sẽ mang lại tác động tích cực nhiều hơn kinh tế Mỹ, bởi lạm phát của Mỹ hiện cũng đã gần ngưỡng 2%...

Do đó, nhiều khả năng FED sẽ không duy trì chính sách lãi suất âm. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, FED cũng chỉ cắt giảm lãi suất xuống gần 0%.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn, cộng với các gói cứu trợ, kích thích kinh tế lên tới gần 3.000 tỷ USD, sẽ làm tăng áp lực lạm phát, khiến USD suy giảm và đẩy giá vàng tăng trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố do nhu cầu vàng vật chất đang ở mức rất thấp vì dịch COVID-19 đã khiến kinh tế nhiều quốc gia tiêu thụ vàng lớn trên thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ… bị suy giảm mạnh. Hơn nữa, giai đoạn này cũng là thời kỳ thấp điểm tiêu thụ vàng vật chất theo chu kỳ hàng năm.

Ngoài ra, các NHTW cũng giảm bớt việc mua vàng dự trữ vì phải dành nguồn lực để cứu nền kinh tế thoát khỏi dịch bệnh. Trong quý 3, lượng vàng được các NHTW mua vào chỉ đạt khoảng 145 tấn, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tuần tới, Mỹ công bố khá nhiều chỉ số kinh tế tháng 4, trong đó có 2 chỉ số quan trọng là CPI và doanh số bán lẻ dự kiến giảm 11%. Nếu đúng như dự kiến, các số liệu này có thể sẽ tác động tích cực đến giá vàng.

Theo phân tích kỹ thuật, xu hướng điều chỉnh, tích lũy của giá vàng ngắn hạn chưa chấm dứt. Theo đó, nếu không trụ vững trên 1.670USD/oz, giá vàng có thể xuống 1.643USD/oz, thậm chí 1.603USD/oz. Trong khi đó, mức kháng cự đầu tiên là 1.724USD/oz, kế tiếp là 1.738- 1.747USD/oz.

Ngọc Anh

Tags: Giá Vàng Giá Vàng Quốc Tế Nhu Cầu Vàng Giá Vàng Miếng Sjc Sản Xuất Công Nghiệp Tình Hình Dịch Bệnh Tăng Trưởng Kinh Tế Mỹ Ngân Hàng Thanh Khoản Vàng Dự Trữ Tỷ Giá Ngoại Tệ Lạm Phát