Hành trình ‘lột xác’ Sacombank dưới bàn tay của Chủ tịch Dương Công Minh

Hành trình ‘lột xác’ Sacombank dưới bàn tay của Chủ tịch Dương Công Minh
Với các biến cố xảy ra và được chuyển giao qua nhiều “đế chế”, hoạt động của Sacombank đã rơi vào khó khăn với khối nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ông Dương Công Minh đảm nhiệm “ghế nóng” chủ tịch, nhà băng này đã thực sự có bước chuyển mình.

“Sau 3-5 năm nếu không xử lý được nợ xấu sẽ từ nhiệm”
Đó là khẳng định của ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam - sau khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thường Tín (Sacombank) vào ngày 30/6/2017.

Sacombank từng được xem là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất từ những năm 2012 trở về trước, thời điểm chưa bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông bao gồm ông Lê Hùng Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Eximbank), ông Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam - SouthernBank)…

Thế nhưng, với loạt biến cố xảy ra và được chuyển giao qua nhiều “đế chế”, hoạt động của Sacombank đã rơi vào khó khăn với khối nợ xấu lớn, nhất là những khoản nợ xấu để lại kể từ khi sáp nhập SouthernBank vào tháng 10/2015.

Nợ xấu của Sacombank trở nên nổi cộm khi ông Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) bị bắt vì tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, tại thời điểm tháng 8/2017, ông Trầm Bê để lại 2 khoản nợ rất lớn tại Sacombank, một liên quan tới bất động sản giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng và một liên quan tới cổ phiếu giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tất cả khoản nợ này được cho rằng có tài sản bảo đảm, nhưng cần khoảng 3 năm để xử lý.

Để xử lý khối nợ xấu trên, sau khi Sacombank bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới (2017-2021) với người ngồi “ghế nóng” chủ tịch là ông Dương Công Minh - một trong những tổ chức tham gia tái cơ cấu Sacombank, nhiều hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu đã được triển khai.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank vào cuối năm 2019, ông Dương Công Minh cho biết trong hơn 2 năm qua, nhà băng đã xử lý được 39.400 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi 13.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời, qua đó giúp tài sản thu nợ trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống còn 13,3%; kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ 7,25% xuống còn 1,75%.

Qua 2 năm rưỡi tái cơ cấu, lợi nhuận của Sacombank đã tăng trưởng, các tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ sinh lời tăng trưởng cao; cải thiện được năng suất lao động... Trong quá trình tái cơ cấu, HĐQT Sacombank chú trọng đến tái cơ cấu quản trị điều hành, sau đó là tái cơ cấu ngân hàng.

Tổng tài sản của Sacombank tháng 1/7/2017 là 355.000 tỷ đồng, đến 31/12/2019 là 457.000 tỷ đồng, tăng 28%.

“Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank dự kiến đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông”, ông Minh thông tin.

Đây có thể nói là một khởi đầu tốt đẹp tạo dấu ấn sâu sắc của ông Minh trong những năm gia nhập Sacombank. Đồng thời là bước ngoặt đối với hoạt động của toàn ngân hàng sau nhiều năm “ảm đạm”.

Cụ thể, ngay năm đầu tiên sáp nhập 2015, chi phí trích lập dự phòng đã “bào mòn” 72% lợi nhuận năm.

Đến 2016, mặc dù lợi nhuận thuần ghi nhận chỉ 852 tỷ đồng nhưng con số trích lập dự phòng đã chiếm 82%, ghi nhận 696 tỷ đồng.

Sang năm 2017 và 2018, lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 1.492 tỷ đồng và 2.247 tỷ đồng, xử lý được một phần nợ xấu, trích dự phòng rủi ro cũng giảm xuống lần lượt 35% và 41% lợi nhuận thuần.

Năm 2019 đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định và đến năm 2020 sẽ tăng tốc, bởi hiện tại Sacombank vẫn đang phải nỗ lực để tiếp tục xử lý nợ xấu.

“Tôi vẫn chỉ là Minh Him Lam”
Trong những năm qua, Sacombank đã có bước chuyển mình ấn tượng trên không thể không khẳng định vai trò của ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Để tập trung cho Sacombank, ông Minh cũng đã thôi vị trí Chủ tịch HĐQT tại 4 doanh nghiệp khác, trong đó có Him Lam.

Song khi mới tham gia vào HĐQT Sacombank, nhiều người đã cho rằng ông Minh tham gia vào ngân hàng là vì khối tài sản bất động sản của Sacombank. Tuy nhiên, ông Minh khẳng định bản thân ông cũng như Tập đoàn Him Lam đã không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và không sử dụng vốn của Sacombank.

Doanh nhân tuổi Tý Dương Công Minh
Doanh nhân tuổi Tý Dương Công Minh

Nói về những gì Sacombank đạt được, theo ông Minh, mỗi một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, quan trọng nhất là phải xây dựng nền móng, hệ thống. Đặc biệt với Sacombank, một định chế tài chính thì tính hệ thống cực kì quan trọng.

Nhắc đến “thời vàng son một thuở” của Sacombank, ông Minh đánh giá cao những đóng góp của ông Đặng Văn Thành - người sáng lập Sacombank và đã điều hành ngân hàng này trong một thời gian dài kể trừ trước năm 2012 - thời điểm ông buộc phải rời Sacombank sau khi rơi vào tay nhóm cổ đông mới.

“Vào điều hành Sacombank đã gần 3 năm, nhưng thương hiệu Sacombank vẫn luôn gắn chặt tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là ‘Thành Sacombank’, còn tôi chỉ là ‘Minh Him Lam’, ông Dương Công Minh nói.

Ông Minh cho biết, việc nhận vai trò Chủ tịch Sacombank là để quyết liệt cải tổ lại hệ thống quản lý tổ chức ngân hàng. Còn ông Đặng Văn Thành cùng với HĐQT của khóa trước đã xây dựng cho Sacombank một nền móng, hệ thống chiến lược bền vững. Chính vì vậy, quá trình tái cấu trúc của ông mới diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ.

“Trên cơ sở nền móng này, chúng tôi sẽ hoàn thiện và thích nghi với môi trường kinh doanh mới, thời kì công nghiệp 4.0. đưa Sacombank tái cơ cấu thành công”, ông Minh chia sẻ và cảm ơn tới nhà sáng lập Đặng Văn Thành và HĐQT thời kỳ trước.

“Vì thế, với mong muốn giữ được thương hiệu ‘Thành Sacombank’, tôi kỳ vọng ông Thành và vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc, con trai Đặng Hồng Anh cùng sát cánh, tạo điều kiện tư vấn để phát triển Sacombank ngày càng tốt hơn. Tiến tới xây dựng Sacombank là ngân hàng hạnh phúc”, ông Minh gửi gắm.

Lý lịch doanh nhân tuổi Tý Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 (năm Canh Tý), quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là trung úy trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Minh cũng đính chính rằng: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy, ra quân là trung úy”.

Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh từ lâu được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam". Trước đó, ông cũng từng có biệt danh "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà, ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức đắc cử chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Vào tháng 1/2018, ông Dương Công Minh trở thành lãnh đạo ngân hàng đầu tiên rời cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, ông đã chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt.

Theo Lệ Chi/Tạp chí Nhà Đầu tư

Tags: Dương Công Minh Sacombank Doanh Nhân Vietpostbank Chứng Khoán