Động thái này nhằm giảm sự phụ thuộc của ngành công nghiệp bán dẫn vào các nhà sản xuất ở Đông Á cho các linh kiện điện tử quan trọng này.
Đây sẽ là một sự thay đổi lớn đối với một ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào sản xuất nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Và quá trình chuyển đổi đó có thể đang được tiến hành qua việc Công ty sản xuất chất bán dẫn khổng lồ Đài Loan TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở bang Arizona của Mỹ để giúp dập tắt mối quan ngại của các quan chức Mỹ.
Một số quan chức Mỹ cho rằng một khoản đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ củng cố an ninh quốc gia vì các vi mạch tiên tiến cũng được ứng dụng trong các lĩnh vực quân sự và quốc phòng quan trọng. Động thái của Mỹ cũng có thể được coi là một sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến giành lấy sự thống trị về công nghệ.
Scott Kennedy, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ nói với CNN Business rằng: “Việc này sẽ cấu hình lại cơ bản của toàn bộ ngành công nghiệp. Chất bán dẫn và lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông gần như được toàn cầu hóa như bất kỳ ngành công nghiệp nào trên hành tinh”.
Trong khi đó, Intel - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Mỹ đã xác nhận với CNN Business rằng, họ đang đàm phán với chính phủ Mỹ để tìm cách đảm bảo sự dẫn đầu về công nghệ của Mỹ và tăng cường các nguồn trong nước cho công nghệ vi điện tử tiên tiến và công nghệ liên quan.
Hiện Intel đang sản xuất một số chip của riêng họ ở trong nước tại các nhà máy sản xuất tại Mỹ, trong khi đó nhiều công ty bán dẫn của Mỹ thiết kế chip của họ nhưng thuê các công ty nước ngoài sản xuất như Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan, xưởng đúc bán dẫn lớn nhất thế giới. Hiện tại, TSMC đang sản xuất các vi mạch hiệu suất cao cho nhiều khách hàng, bao gồm các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Advanced Micro Devices và Apple.
Trong một cuộc trao đổi với CNN Business, Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tích cực khuyến khích các công ty bán dẫn, cả trong nước và nước ngoài nhằm tăng đầu tư vào việc thiết kế, sản xuất và nghiên cứu, phát triển chất bán dẫn ở Mỹ. Chất bán dẫn đại diện cho một công nghệ nền tảng trong lĩnh vực an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ. Ngành công nghiệp bán dẫn đã được phát minh ở Mỹ và việc đầu tư chiến lược sẽ đảm bảo nó vẫn bắt nguồn từ đây”.
Trong một động thái khác, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đang làm việc với Bộ Quốc phòng để tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng vào các nguồn nước ngoài và bảo đảm chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các thành phần quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng.
Đầu tư vào một ngành công nghiệp trọng điểm
Bản chất toàn cầu hóa của ngành công nghệ và sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào chuỗi cung ứng nước ngoài đã được xem xét kỹ trong những năm gần đây, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng lên và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gây ra các áp lực lên gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã gây áp lực cho nhiều công ty nhằm tăng cường sản xuất trong nước trong nỗ lực tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ. Tiếp đến, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng thêm sự cấp bách cho các cuộc đàm phán về việc mở rộng sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ.
Phát ngôn viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho biết thêm: “Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc của chúng tôi vào các nhà cung cấp và nhà sản xuất ở nước ngoài, bao gồm cả chất bán dẫn và vi điện tử”.
Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp chất bán dẫn từ lâu đã được coi là một ngành công nghiệp quan trọng, năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ vẫn tương đối trì trệ trong những năm gần đây so với các nước khác, điều này khiến Mỹ lo ngại có thể tụt lại phía sau.
Theo Martin Chorzempa, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thì hiện tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 13% tổng công suất sản xuất chất bán dẫn của thế giới, tương đương với cổ phần mà nó nắm giữ năm 2015. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm khoảng 8% công suất trên toàn thế giới trong năm 2015 và hiện nay chiếm khoảng 12%.
Việc xây dựng thêm các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước có thể giúp Mỹ vượt lên trên Trung Quốc và các nước hàng đầu khác.
Các chuyên gia cho rằng, việc này sẽ phản ánh mô hình của các quốc gia khác như Hàn Quốc và Đài Loan đã có những chính sách hỗ trợ nguồn lực cho lĩnh vực này. Vào những năm 1980, chính phủ Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào việc hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn khi nó dường như tụt lại phía sau người Nhật, một động thái hiện được coi là một thành công.
Nhận định về động thái này của chính phủ Mỹ, Giám đốc điều hành Intel - Bob Swan cho biết, công ty của ông “có vị trí độc nhất” để giúp Mỹ xây dựng năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Quá trình phát triển xưởng đúc của Mỹ
Theo các chuyên gia thì để thực hiện thành công một chiến lược như vậy sẽ đòi hỏi hàng chục tỷ USD đầu tư thông qua một mối quan hệ đối tác công - tư.
Trong một lá thư ngày 28/4 mà Giám đốc điều hành Intel - Bob Swan gửi Lầu năm góc, ông Bob Swan cho rằng, Intel có “vị trí độc nhất" để hợp tác với chính phủ Mỹ về nỗ lực này và Intel có thể vận hành một xưởng đúc thương mại của Mỹ để cung cấp một loạt các vi điện tử cho chính phủ và các công ty khác của Mỹ.
Trong trường hợp Intel tự sản xuất chip tại Mỹ thì ngoài việc cung cấp cho các công ty Mỹ thì họ còn sản xuất sản phẩm cho các công ty khác, có thể bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Nhận định về vấn đề này, Douglas Fuller, Phó Giáo sư tại Đại học Thành phố Hồng Kông cho rằng: “Intel cho đến thời điểm này đã thực hiện rất ít việc sản xuất cho các công ty khác. Họ đã tự thiết kế và sản xuất chip của riêng họ tại các nhà máy riêng. Nhưng Mỹ có ngành thiết kế chip khổng lồ và sôi động ... Tôi nghĩ rằng nếu Intel chỉ muốn trở thành nhà cung cấp đúc bán dẫn thì điều đó sẽ cần thời gian, bởi vì đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của họ”.
Theo thông tin từ Tạp chí Phố Wall đưa ra ngày 14/5 cho biết, TSMC có nhiều kinh nghiệm chế tạo chip cho nhiều công ty khác nhau trên thế giới. Nhà máy ở bang Arizona đã được TSMC lên kế hoạch sản xuất chip ngay từ cuối năm 2023 bao gồm sản xuất các chip tiến trình 5 nm, và đây được coi là chip mạnh nhất và tiên tiến hiện có.
Douglas Fuller cho biết thêm, có một mô hình khả thi khác để mở rộng chế tạo bán dẫn ở Mỹ, đó là có thể là thành lập một tập đoàn các công ty bán dẫn bao gồm Intel và các công ty khác như Qualcomm và Nvidia để cùng đầu tư vào một xưởng đúc ở Mỹ.
Nhưng liệu các đối thủ của Intel có đồng ý tham gia vào nỗ lực này hay không vẫn là một câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.
Phan Văn Hòa (theo CNN)