Lợi nhuận giảm, ngân hàng lo

Lợi nhuận giảm, ngân hàng lo
Tuần qua hàng loạt NHTM đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 cho thấy doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, trích lập dự phòng tăng… Đây mới là hệ quả bước đầu đối với ngân hàng khi nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh còn ở chặng đường dài phía trước. Các chuyên gia dự báo số liệu hoạt động kinh doanh quý II/2020 sẽ cho thấy rõ hơn tác động của dịch Covid-19 đến các ngân hàng.

Đơn cử như tại Vietcombank, báo cáo tài chính quý I/2020 chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 43% lên 2.152 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế của Vietcombank giảm 11,14% so với cùng kỳ năm trước về còn 5.333 tỷ đồng. Tại BIDV cũng vậy, sau khi trừ chi phí hoạt động 3.201 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ), ngân hàng còn lãi 7.573 tỷ đồng trước trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên do chi phí dự phòng trong kỳ cũng tăng 16%, lên 5.928 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế giảm 27%, còn 1.646 tỷ đồng. Ở một số NHTMCP tỷ lệ sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ còn cao hơn như Saigonbank giảm 31%, Bac A Bank giảm 27%, Kienlongbank giảm 23%, Sacombank giảm gần 7%...

Nhìn chung lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh trước hết do tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí âm so với cuối năm 2019. Đơn cử như ABBANK, tăng trưởng tín dụng quý I/2020 của ngân hàng này giảm 6% so với cuối năm 2019. Nguyên nhân thứ hai là dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh bị đình trệ, qua đó đẩy nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng, đẩy trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng. Chẳng hạn như: Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của TPBank tăng hơn 100%; của Saigonbank tăng 51%. Techcombank dành đến 772 tỷ đồng cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng…

Điểm đáng mừng trong hoạt động của các ngân hàng là nguồn thu có sự dịch chuyển đáng kể sang mảng phi tín dụng. Như VPBank với lợi nhuận đạt hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ tăng 49,4%; Hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại doanh thu cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Hay như Techcombank, thu nhập lãi thuần đạt 4.212 tỷ đồng, tăng 22,8% so với quý I/2019. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 862 tỷ đồng, tăng 73,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 14,3% doanh thu, cao hơn mức 11,3% trong quý I/2019, với sự đóng góp đáng kể từ mảng bảo lãnh phát hành trái phiếu…

Mặc dù vậy hiện tín dụng vẫn là nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng. Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, dự báo lợi nhuận của các nhà băng sẽ giảm mạnh trong năm nay. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, thu nhập hoạt động của các TCTD sẽ giảm ít nhất là khoảng 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20 - 25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu. Còn theo một lãnh đạo NHNN, lợi nhuận của 4 NHTM là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank sẽ giảm đến 40% vì dành nguồn lực để hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch bệnh…

Hiện nhiều ngân hàng đang chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông. Chắc chắn diễn biến bất thường của dịch Covid-19 sẽ khiến các nhà băng phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh của mình. Vấn đề là, nếu lợi nhuận ngân hàng giảm quá mạnh, cổ đông lại không được chia cổ tức bằng tiền mặt thì cổ phiếu ngân hàng sẽ giảm lực hút đối với nhà đầu tư. Do đó, cái khó của NHTM là làm sao đưa ra bản kế hoạch với những chỉ tiêu vừa đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và thúc đẩy quá trình số hóa hoạt động. Thực tế cũng chứng minh, những ngân hàng nào đẩy mạnh tiến trình số hóa và phát triển mạnh các dịch vụ phi tín dụng, lợi nhuận sẽ không bị sụt giảm mạnh như những ngân hàng chỉ dựa vào “độc canh tín dụng”.

Hà An

Tags: Lợi Nhuận Giảm Ngân Hàng Kết Quả Kinh Doanh Doanh Thu Giảm Trích Lập Dự Phòng Tăng Hỗ Trợ Khách Hàng Lợi Nhuận Trước Thuế Vietcombank Bidv Lợi Nhuận Ngân Hàng Tăng Trưởng Tín Dụng Nợ Xấu Tín Dụng Covid-19 Số Hoá