Tổng thống Putin đã nửa đùa nửa thật về việc Tổng thống Assad nên mời Tổng thống Trump đến Syria.
Câu nói đùa
Trong chuyến thăm Damascus tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ trình bày một ý tưởng thú vị cho người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.
“Tại sao ngài không mời Tổng thống Donald Trump đến dinh tổng thống?”, Tổng thống Putin đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng điều này sẽ giúp “quan hệ Mỹ-Syria có thể hồi sinh từ tình trạng tồi tệ”.
Đáp lại, Tổng thống Assad nói rằng ông sẵn sàng gửi lời mời. Ông Putin mỉm cười và trả lời: “Tôi sẽ nói lại với ông ấy”.
Thông tin này được đăng tải trên Channel 13 của Israel và nó được coi là câu chuyện đùa không gây được nhiều sự chú ý ở Washington. Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ tin có một chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Damascus.
Một động thái như vậy sẽ vấp phải phản ứng kịch liệt, bởi ngay cả Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump cũng gọi chuyến thăm như vậy là điều không thể chấp nhận.
Về phần mình, cá nhân Tổng thống Trump có lẽ cũng không có nhiều động lực để cân nhắc một chuyến thăm đến Syria. Sự thù địch của Mỹ với chính quyền Tổng thống Assad trong cuộc chiến kéo dài 9 năm qua đã nói lên tất cả.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng để ngỏ khả năng lạc quan nhất khi Tổng thống Trump sẽ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Trên thực tế, mọi chuyện đều có khả năng xảy ra.
Không ai tin rằng, chỉ mới mùa hè năm 2017, Washington và Bình Nhưỡng từng đe dọa hủy diệt lẫn nhau bằng những lời lẽ khốc liệt nhất. Nhưng chỉ một năm sau, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại bắt tay và đi dạo cùng nhau, nói về triển vọng hòa bình.
Có lẽ đó là một kịch bản mà gần như tất cả mọi nhà phân tích kỳ cựu nhất đều không bao giờ nghĩ tới vào thời điểm ấy.
Daniel DePetris, thành viên thuộc tổ chức đối ngoại Defense Priorities của Mỹ cho rằng, chính điều này khiến cho một cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Assad rất có khả năng xảy ra trên thực tế chứ không phải chỉ là lý thuyết.
Sự khó đoán của Tổng thống Trump
Theo chuyên gia DePetris, Tổng thống Trump nổi tiếng là một nhà lãnh đạo khó đoán và luôn gây bất ngờ. Trong ba năm ở Phòng Bầu dục, ông luôn phát biểu những điều mà không ai nghĩ tới và thường đưa ra quyết định một cách nhanh chóng (đôi khi bỏ qua những lời cảnh báo).
Tuy nhiên, một trong những nét tích cách thú vị nhất về ông Trump là ông luôn sẵn sàng thực hiện những cuộc đàm phán lớn. Nếu có sự lựa chọn trong tay, ông sẽ đối thoại với bất cứ ai có thiện chí, dù đó được coi là đối thủ của Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ví dụ rõ ràng nhất về sự trăn trở của ông Trump đối với các vấn đề lớn. Tương tự như vậy, đối với Iran, ông Trump sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất để làm suy yếu đất nước này, nhưng ông cũng đã liên hệ với người Iran để đàm phán trực tiếp.
Mahmoud Vaezi, Chánh văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nói tại một cuộc họp nội các năm 2018 rằng, ông Trump đã 8 lần cố gắng sắp xếp một cuộc thảo luận với Tehran.
Ngoài ra, ông Trump cũng từng muốn gặp người đồng cấp Rouhani tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, lời đề nghị mà Tổng thống Iran đã từ chối vì một phần những áp lực mà Mỹ đang đè nặng lên Tehran.
Ở một trường hợp khác, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vốn được coi là “cái gai trong mắt” của Washington và Châu Âu, nhưng điều đó đã không ngăn ông Trump hình dung ra một số cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia Nam Mỹ.
Theo chuyên gia DePetris, chính sách của chính quyền Trump là muốn thay đổi chính quyền ở Venezuela bằng cách làm suy yếu chính quyền hiện tại để chuyển quyền kiểm soát và hỗ trợ ngoại giao cho lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido. Nhưng nếu thay đổi chính quyền có thể được thực hiện bằng ngoại giao mà không tốn sức thì càng tốt hơn.
Ông Trump cũng để ngỏ khả năng gặp mặt Tổng thống Maduro bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 2018. Một lần nữa, cuộc gặp đã không diễn ra. Nhưng thực tế ông Trump cho thấy rằng ông không cảm thấy khó chịu khi nói chuyện với những nhà lãnh đạo mà nước Mỹ vốn coi là đối thủ.
Đối với triển vọng một chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Syria, đó là điều khó xảy ra như thể mong thời tiết 90 độ vào mùa Đông, chuyên gia DePetris mô tả.
Tranh cãi xoay quanh cáo buộc chính quyền Assad tấn công bằng vũ khí hóa học năm 2017 và 2018 được coi là bất đồng lớn nhất, dù Tổng thống Syria và Nga đã lên tiếng bác bỏ điều này.
Nhưng sẽ không có gì điên rồ khi tưởng tượng một ngày nào đó hai nhà lãnh đạo Mỹ-Syria ngồi cạnh nhau nhìn vào ống kính camera. Một khoảnh khắc tranh cãi, mang tính lịch sử và đáng giá như vậy sẽ có khả năng xảy ra khi ông Trump là tổng thống.
Mạnh Kiên