Nga làm 'ngư ông đắc lợi' tại Trung Đông

Nga làm 'ngư ông đắc lợi' tại Trung Đông
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ-Iran, Mỹ-Iraq giúp Nga nâng cao vị thế và ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông cũng như có được nhiều lợi ích khác.

Ảnh internet

Việc Mỹ tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trong một cuộc không kích trên đất Iraq đã đẩy quan hệ Mỹ-Iran tới bờ vực của một cuộc xung đột. Cùng với đó, việc Mỹ thực hiện cuộc không kích trên lãnh thổ Iraq khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương đã buộc Quốc hội Iraq phải ra nghị quyết đòi lính Mỹ rút khỏi nước này.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, vị thế của quân đội Mỹ tại Iraq bị lung lay và kịch bản rút quân trong tương lai là không thể loại trừ chính là cơ hội để Nga nâng cao vị thế, ảnh hưởng của mình tại "chảo lửa" Trung Đông, đồng thời cũng có được các lợi ích về kinh tế.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) bắt tay người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Vladimir Putin (phải) bắt tay người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Sputnik

Trước hết, về mặt kinh tế, theo Eurasia Review, các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa của Iran nhằm vào ít nhất hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq đã khiến căng thẳng leo thang và giá dầu ngay lập tức tăng do hậu quả của cuộc xung đột, nhờ đó ngân quỹ quốc gia của Nga đầy thêm.

Về mặt địa chính trị, nếu Mỹ chuyển hướng sự chú ý sang Iran, điều đó đồng nghĩa với việc Washington sẽ giảm sự tập trung vào Ukraine, các nước Baltic, Đông và Trung Âu cũng như những khác biệt giữa hai cường quốc Nga - Mỹ. Do đó, Nga có thể dễ thở hơn.

Hơn nữa, nếu cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran xấu đi, biến thành sự thù địch công khai, Nga sẽ ở vị trí tốt nhất để đóng vai trò trung gian hòa giải. Áp lực kinh tế và chính trị của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga chắc chắn sẽ phải giảm bớt hoặc dần bị loại bỏ. Thực tế, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Nga ngày 11/1/2020 để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin theo lời mời của ông về cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran đã phản ánh rõ điều này.

Về mặt chính trị, uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Putin tại Trung Đông sẽ tăng lên ngay cả khi Nga không đóng vai trò trung gian hòa giải.

Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới có mối quan hệ tốt với Iran và các quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù mối quan hệ của Nga với Mỹ và EU không thân thiết, nhưng họ cũng không thù địch. Phương Tây cần Nga để giảm căng thẳng với Iran, cho dù Nga không đóng vai trò trung gian hòa giải. Đổi lại, phương Tây phải giảm dần và cuối cùng là loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, chính trị đối với Nga.

Chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Syria gần đây được cho là bước đi khôn khéo, cho thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo đáng tin cậy được chào đón như một động lực thúc đẩy sự ổn định tại Trung Đông. Điều này cũng giúp Tổng thống Putin ghi điểm tại quê nhà, nơi người dân vẫn yêu thích ông vì đã giúp Nga nâng cao vị thế, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới, trước tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Kể từ khi Nga tham gia cuộc nội chiến tại Syria vào năm 2015, Moscow đã bắt tay với Iran để ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tướng Soleimani, nhân vật quyền lực thứ 2 tại Iran, là một trong những kiến trúc sư chính đứng sau kế hoạch tham chiến của Nga tại Syria. Theo PGS Leonid Isaev tại Khoa Nghiên cứu châu Phi và châu Á tại Đại học Kinh tế ở St. Petersburg, sự ra đi của tướng Soleimani có thể sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Iran đối với chính quyền Syria, từ đó giúp Moscow tự do hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chính trị sắp tới tại Syria.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Mỹ và Iran đã mở ra nhiều cơ hội cho Nga ở bên ngoài biên giới Syria.

Theo Nghị quyết của Quốc hội Iraq, lính Mỹ buộc phải rút quân khỏi nước này. Khi vị thế của quân đội Mỹ tại Iraq bị lung lay và và kịch bản rút quân trong tương lai là không thể loại trừ thì Nga sẽ có khoảng trống để khai thác.

“Tham vọng của Nga tại Trung Đông không chỉ giới hạn ở Syria. Moscow rõ ràng nhắm mục tiêu tới việc hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực, và khẳng định vai trò của Nga như kiến trúc sư cho thế giới đa cực. Iraq có thể là một mảnh ghép khác để (Nga) đạt được mục tiêu này”, Farhad Ibragimov, chuyên gia tại Câu lạc bộ Quốc tế Valdai ở Moscow, cho biết.

Tuy vậy, giới phân tích Nga cho rằng sự can thiệp của Nga vào Iraq có thể chỉ dừng lại ở các động thái ngoại giao và buôn bán vũ khí, còn kịch bản can thiệp quân sự trực tiếp tại Iraq khó xảy ra.

An Nhiên

Tags: Căng Thẳng Mỹ-Iran Iraq Yêu Cầu Mỹ Rút Quân Nga Trung Đông