Ngân hàng bán lẻ dẫn dắt tăng trưởng

Ngân hàng bán lẻ dẫn dắt tăng trưởng
Trong số 13 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020 trong tháng 4 vừa qua, những ngân hàng có lợi nhuận tuyệt đối cao nhất trong hệ thống đều là những tên tuổi mà mảng cho vay bán lẻ đã được tập trung rất mạnh trong giai đoạn 2017-2019 như Vietcombank, VPBank, TPBank, VIB…

Đà phát triển chưa dừng lại

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, xu hướng tập trung cho vay mảng bán lẻ đã xuất hiện và cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống NHTM trong thời gian qua. Trong nhóm 13 ngân hàng niêm yết lớn nhất trong hệ thống, tỷ lệ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ tín dụng đã tăng từ 32,2% trong năm 2017 lên 35,5% trong năm 2018 và đạt mức trên 40% vào cuối 2019.

Thực tế, trong số 13 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020 trong tháng 4 vừa qua, những ngân hàng có lợi nhuận tuyệt đối cao nhất trong hệ thống đều là những tên tuổi mà mảng cho vay bán lẻ đã được tập trung rất mạnh trong giai đoạn 2017-2019 như Vietcombank, VPBank, TPBank, VIB… Chẳng hạn như tại Vietcombank mảng tín dụng cá nhân đã tăng từ 32,7% năm 2017 lên lần lượt 36,9% vào năm 2018 và đạt mức 42% vào cuối quý III/2019. Trong giai đoạn 2020 – 2022 dự báo cho vay cá nhân của Vietcombank sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh và tỷ trọng cho vay cá nhân sẽ chiếm khoảng 65% tổng dư nợ vào 2025.

Tại BIDV cũng vậy, việc chuyển dịch mạnh mẽ phân khúc bán lẻ, dư nợ cho vay nhóm khách hàng cá nhân của BIDV trong giai đoạn 2014-2018 có mức tăng trưởng bình quân 40%/năm. Kết thúc năm 2018 tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm 34,1% tổng dư nợ cho vay của BIDV trong khi đó đến hết năm 2019 con số này được nâng lên mức 34,5% và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Ở VietinBank, phân khúc bán lẻ cũng đã có sự đột phá mạnh mẽ. Dư nợ cho vay cá nhân tăng trung bình gần 35%/năm trong giai đoạn 2017 – 2019 và tỷ trọng cũng chiếm khoảng trên 3% tổng dư nợ vào cuối năm 2019.

Ở nhóm NHTMCP, nhiều ngân hàng như VPBank, HDBank, TPBank, MB, VIB, ACB… đều có sự tăng trưởng tín dụng bán lẻ rất mạnh mẽ. Trong năm 2019, biên lãi ròng (NIM) của hàng loạt ngân hàng được cải thiện nhờ vào tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dung, tín dụng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ghi nhận tại VIB cho thấy, trong năm 2019 cho vay khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ của ngân hàng này đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng trưởng 46% và chiếm tới 82% tổng dư nợ cho vay của nhà băng này. Trong khi tại VPBank với sự đóng góp của FE Credit, các khoản vay tiêu dùng chiếm tới 57% tổng dư nợ và tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn trong hệ thống…

Nâng cấp mô hình bán lẻ

Theo đại diện khối ngân hàng bán lẻ của Vietcombank, từ đầu 2019 với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong hệ thống vào năm 2025, ngân hàng này đã phối hợp với đơn vị tư vấn BCG (Hoa Kỳ) để triển khai Dự án “Chuyển đổi mô hình hoạt động ngân hàng bán lẻ - RTOM”. Theo đó, đơn vị đã thành lập tổ chuyển đổi ngân hàng bán lẻ với hơn 70 thành viên cao cấp từ các phòng ban, trung tâm chuyên môn và tập hợp 126 sáng kiến từ hệ thống chi nhánh Vietcombank trên toàn quốc để triển khai các cấu phần của dự án.

Vietcombank cho biết, đến cuối 2019, giai đoạn thiết kế của dự án RTOM đã hoàn thành với các nội dung chuyển đổi mô hình rất đồ sộ về dữ liệu. Hiện tại, đơn vị đã bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của dự án với việc bổ sung vị trí điều phối viên (SA) và vị trí chuyên viên tư vấn cá nhân (PBO) tại sảnh giao dịch của các chi nhánh. Ghi nhận của Vietcombank cho thấy, sau khi thí điểm mô hình hỗ trợ khách hàng tại quầy được áp dụng ở một số chi nhánh, thời gian xếp hàng tự động giảm trung bình từ 3-5 phút/lượt người. Độ hài lòng của khách hàng được đánh giá ở mức tối đa (4,9/5 tiêu chí).

Ở các NHTM khác việc đổi mới hệ thống công nghệ ngân hàng bán lẻ, cải thiện mô hình hỗ trợ giao dịch và gia tăng các sản phẩm tín dụng bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và nâng cao độ hài lòng của khách hàng cũng không hề kém cạnh.

Chẳng hạn như BIDV đã áp dụng đồng bộ hóa tuyệt đối các ứng dụng trực tuyến trên các kênh Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, YouTube và cả trên đồng hồ thông minh (Apple Watch). Hiện tại, ngân hàng này cũng đã xây dựng các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch, đồng thời triển khai một số sản phẩm sáng tạo cùng đối tác như: Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile Banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại… Việc đổi mới mô hình này, theo BIDV đã giúp hệ thống phát triển khoảng 20 loại sản phẩm, dịch vụ tín dụng trong mảng bán lẻ. Quy mô tín dụng bán lẻ đạt mức 360.000 tỷ đồng (năm 2019) với khoảng 12 triệu khách hàng cá nhân, trong đó có khoảng hơn 7 triệu khách hàng trong mảng ngân hàng số.

Trong khi đó, tại BaoVietBank và MSB để hướng tới mục tiêu đưa mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ lên mức 40% trong năm 2020, các đơn vị này đã nỗ lực đầu tư hàng loạt các công nghệ số và mở rộng các sản phẩm tín dụng cá nhân. Đại diện khối bán lẻ của MSB cũng chia sẻ, trong năm nay ngân hàng sẽ tận dụng tối đa gói tín dụng 7.000 tỷ đồng được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp để thúc đẩy doanh thu mảng bán lẻ tăng trưởng ở mức 40%. Để đạt mục tiêu này MSB đã phối hợp với hãng tư vấn Mc Kinsey hoạch định chiến lược kinh doanh mới trong giai đoạn 2019 - 2023. Trong đó, ở mảng bán lẻ, ngân hàng sẽ dành tối thiểu tới 30% nguồn lực của mảng này để phối hợp với khối ngân hàng số (Digital Banking) và các đối tác Fintech chiến lược nhằm xây dựng các sản phẩm số hóa kết hợp với tín dụng bán lẻ truyền thống.

Thạch Bình

Tags: Ngân Hàng Bán Lẻ Báo Cáo Tài Chính Lợi Nhuận Cho Vay Bán Lẻ Vietcombank Vpbank Tpbank Vib Vietinbank Bidv Bán Lẻ Dư Nợ Khách Hàng Cá Nhân Hdbank Mb Acb Tăng Trưởng Tín Dụng Tài Chính Tiêu Dung Tín Dụng Cá Nhân Fe Credit Baovietbank Msb