Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán

Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã đề ra nhiều giải pháp, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán.

Riêng với lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, trong đó có việc giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 24 giờ. Trong khoảng thời gian từ 16/3 đến 15/4, đã có 26 doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ với tổng số cổ phiếu đăng ký mua là 170,4 triệu cổ phiếu tương đương 3.123 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng ban hành các giải pháp giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại cổ đông và báo cáo tài chính. Đồng thời hướng dẫn các công ty đại chúng việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến.

Bộ cũng đề nghị các Công ty kiểm toán phối hợp để ký báo cáo tài chính kiểm toán đúng hạn đối với các doanh nghiệp vì lý do bất khả kháng không thể công bố báo cáo tài chính theo quy định được hướng dẫn thực hiện tạm hoãn, lùi thời hạn công bố thông tin vì lý do bất khả kháng.

Tính đến nay, đã có 673/733 công ty niêm yết nộp báo cáo tài chính đúng hạn, đạt tỷ lệ khoảng 91%. Còn có 59 công ty đại chúng đã được xử lý hướng dẫn công bố thông tin lùi thời hạn vì lý do bất khả kháng.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán xây dựng các kịch bản điều hành thị trường chứng khoán trong mọi hoàn cảnh bị tác động của dịch Covid-19, nhờ vậy hệ thống giao dịch chứng khoán vẫn được duy trì hoạt động thông suốt.

Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng hạn mức tín dụng 5% cho vay kinh doanh chứng khoán trong quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, áp dụng các giải pháp quản lý khác để tăng cường chất lượng tín dụng và tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc chuyển đổi cách quản lý như trên vừa bảo đảm quản lý được rủi ro, chất lượng tín dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại khi cho vay chứng khoán, vừa tạo điều kiện cho các ngân hàng có nhu cầu và đã hết room 5% có thể tăng hạn mức cho vay chứng khoán. Qua đó, góp phần cải thiện sức mua, giúp ổn định thị trường chứng khoán, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19.

Thùy Linh

Tags: Doanh Nghiệp Niêm Yết Thị Trường Chứng Khoán Thúc Đẩy Sản Xuất Kinh Doanh Tái Khởi Động Nền Kinh Tế Chứng Khoán Cổ Phiếu Quỹ Cổ Phiếu Cơ Động Báo Cáo Tài Chính Giao Dịch Chứng Khoán Hạn Mức Tín Dụng Ngân Hàng Rủi Ro Chất Lượng Tín Dụng Cho Vay Chứng Khoán