Cẩn trọng khi tiếp xúc với tiền mặt
Vi khuẩn và virus gây bệnh có ở khắp mọi nơi nhưng tiền dường như là thứ cuối cùng mọi người sẽ nghĩ tới phòng bị do phải sử dụng thường xuyên, dù ít hay nhiều đều biết tiền mặt qua tay rất nhiều người và là một ổ vi khuẩn và virus khổng lồ.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức tiền có là mối lo ngại lay lan virus nCoV hay không song người dân cũng nên cẩn trọng trong sử dụng tiền mặt và tiếp xúc với các đồ vật khác bởi cũng có những nghiên cứu cho thấy tiền giấy là nơi cư ngụ của 3.000 vi khuẩn khác nhau có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hồng Vũ (tiến sĩ về sinh học phân tử trong y học, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope, California, Mỹ) tư vấn: Khi đã có bằng chứng cho thấy virus có mặt ở trên tay nắm cửa thì việc virus có mặt trên tờ tiền là chuyện có thể xảy ra.
Liên quan đến tuyển lựa, thay thế các tờ tiền đã cũ, xuống sắc, đại diện NHNN cho biết, NHNN đã thực hiện nhiều năm nay nhằm làm sạch đẹp đồng tiền trong lưu thông. Qua đó cũng làm cho đồng tiền vệ sinh hơn khi đến với người dân.
Ngoài ra, tại kho tiền NHNN như Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các kiểm ngân ngoài đeo khẩu trang còn phải tăng cường sát khuẩn tay trong lúc virus corona đang bùng phát như hiện nay.
Tại cuộc họp với 21 ngân hàng thương mại về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bới dịch nCoV Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo toàn hệ thống cần đảm bảo hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa, không giao dịch, mà cần đảm bảo các giao dịch cho người dân, DN.
Lãnh đạo NHNN cho biết, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch ở Việt Nam nhưng hiện nay, NHNN lại chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt, hơn nữa việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch.
Để giảm rủi ro lây nhiễm dịch, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng thương mại đưa tiền mới vào lưu thông. Số tiền cũ quay vòng sẽ tạm lưu ở khu vực cách ly với thời gian cần thiết và chỉ đưa vào sử dụng vào thời điểm thích hợp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn khi giao dịch.
Tuy vậy, Phó Thống đốc cũng khuyến cáo người dân bên cạnh việc dùng các biện pháp để bảo vệ bản thân thì cần hạn chế dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, đến chỗ đông người, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan nCoV. Phó Thống đốc giao Vụ Thanh toán nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến (online) cho người dân và DN.
Đưa tiền mới lưu thông hay thanh toán không tiền mặt?
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, để an toàn, trong thời gian có dịch, mọi người nên cẩn thận rửa tay bằng xà bông sau khi giao dịch bằng tiền mặt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cách tốt nhất là sử dụng thanh toán không tiền mặt.
Theo các chuyên gia, hiện nay, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được phát triển khá nhiều ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, các ngân hàng cũng có nhiều dịch vụ với nhiều hình thức khác nhau như thẻ, ví điện tử, ngân hàng số… Các chuyên gia khuyến cáo người dân cũng nên dần chuyển sang các hình thức thanh toán số, tận dụng các tiện ích mà thương mại điện tử mang lại, thay vì giao tiếp trực tiếp và giao dịch tiền mặt với nhau trong giai đoạn nCoV bùng phát.
Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ trên ví để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như chuyển tiền, nhận tiền miễn phí, nạp tiền điện thoại (trả trước, trả sau) của tất cả nhà mạng, thanh toán tại quầy của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà hàng, hàng quán vỉa hè; mua vé máy bay, vé tàu, thanh toán các trang thương mại điện tử; thanh toán điện, nước, chung cư, dịch vụ công, vay tiêu dùng, bảo hiểm; thanh toán viện phí tại các bệnh viện…
Một số ngân hàng cũng cũng khuyến khích khách hàng chuyển qua giao dịch online trong thời gian này như ngân hàng Nam Á, ngân hàng An Bình… có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như internet banking, open banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.
Theo Vụ thanh toán (NHNN) tính đến cuối tháng 11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt gần 146,040 triệu món, tương ứng với 87,591 triệu tỷ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018). Bình quân số lượng giao dịch đạt gần 635.000 giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 380.000 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng lượng giao dịch tiền mặt tại Việt Nam.
Theo Vụ thanh toán (NHNN) tính đến cuối tháng 11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt gần 146,040 triệu món, tương ứng với 87,591 triệu tỷ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018). Bình quân số lượng giao dịch đạt gần 635.000 giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 380.000 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng lượng giao dịch tiền mặt tại Việt Nam.
THẢO NGUYÊN