Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cơ quan này vẫn đang tích cực phát hành tín phiếu để hút tiền trong nền kinh tế về.
Cụ thể, từ đầu tuần đến nay, trung bình mỗi ngày Ngân hàng Nhà nước đã hút về xấp xỉ 5.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Thời hạn tín phiếu kéo dài 91 ngày với lãi suất 2,65%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, số tiền mà Ngân hàng Nhà nước hút khỏi nền kinh tế qua kênh tín phiếu đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Điều này trái ngược với động thái trước đó khi cơ quan quản lý tiền tệ phải bơm tiền ra nền kinh tế trước đó, cho thấy thanh khoản hệ thống đang dồi dào trở lại.
Một phần nguyên nhân có thể đến từ việc tiền mặt đang có xu hướng quay trở lại ngân hàng sau Tết khi nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của người dân gia tăng.
Ngoài ra, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) việc cơ quan quản lý tăng lượng hút tiền còn nhằm mục đích kiểm soát cung tiền trong bối cảnh lạm phát đang dần tăng cao trở lại.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về thị trường tiền tệ tuần qua (10-14/2), trên thị trường 1 (thị trường dân cư) lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Đối với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất 4,3-5%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở 5,3-7%/năm; và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm. Những mức lãi suất này có xu hướng ổn định từ đầu năm đến nay.
Ở chiều cho vay, lãi suất phổ biến ở mức 6-9%/năm với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3-6%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua đã giảm ở các kỳ hạn so với tuần liền trước. Cụ thể, với kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 0,6%, 0,22% và 0,5% xuống mức 2,17%, 2,4% và 3,01%/năm.
Với các khoản vay liên ngân hàng kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất lần lượt ở mức 4,74% và 5,63%/năm.