Mạng xã hội Twitter đã khởi kiện Bộ Tư pháp Mỹ về luật giám sát, cuộc chiến bắt đầu từ năm 2014 và đến nay chưa có kết luận. Cụ thể, Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ đã yêu cầu trang mạng xã hội này cung cấp danh tính người dùng đứng sau một tài khoản chuyên đăng lời chỉ trích về Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, Twitter không thể tiết lộ thông tin theo yêu cầu của chính phủ đối với dữ liệu của người sử dụng bởi Twitter cho rằng điều này đã vi phạm quyền tự do ngôn luận. Thêm vào đó, công ty đã tiến hành kiện, nhằm nỗ lực buộc chính phủ phải minh bạch hơn trong các yêu cầu về dữ liệu cá nhân.
Mặc dù vậy, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers đã nộp đơn đề nghị lên tòa án quận Bắc California, yêu cầu bãi bỏ vụ kiện của Twitter. Trả lời phỏng vấn trên Reuters ngày 17/4, vị thẩm phán này cho rằng, những cáo buộc của Twitter có thể sẽ dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Vụ kiện đã diễn ra sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả với chính phủ, đánh dấu cuộc chiến giữa giới công nghệ và Chính phủ Mỹ về câu chuyện bảo mật thông tin người dùng.
Các công ty công nghệ đang tìm cách làm rõ mối quan hệ của họ với các cơ quan thực thi pháp luật và gián điệp của Mỹ sau những tiết lộ về việc bê bối nghe lén tuyệt mật của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) của Edward Snowden - cựu nhân viên cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Cuộc chiến pháp lý của Twitter đã kéo dài suốt nhiệm kỳ của 4 vị luật sư Mỹ: Eric Holder, Loretta Lynch, Jeff Sessions và William Barr.
Twitter đã đệ trình một báo cáo minh bạch cho chính phủ Mỹ công bố. Tuy nhiên, cho đến nay, các quan chức vẫn từ chối yêu cầu của công ty về việc chia sẻ báo cáo này với công chúng.
Đại diện của Twitter trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Reuters ngày 18/4 cho biết, họ cảm thấy thất vọng với quyết định của tòa án nhưng “chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để làm sáng tỏ, minh bạch việc này”. Đại diện của công ty từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Selina Nguyễn (Theo Reuters)