Cảng Sài Gòn có xé rào chuyển nhượng đất vàng?

Cảng Sài Gòn có xé rào chuyển nhượng đất vàng?
Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn đang xác định liệu CTCP Cảng Sài Gòn có thực sự dính sai phạm trong việc chuyển nhượng Dự án cao tốc tại số 430 Nguyễn Tất Thành (phường 18, quận 4, TP.HCM) hay không.

Sau mua lại, Tập đoàn Trung Thủy đã điều chỉnh dự án  tại số 430- Nguyễn Tất Thành với tên mới là Lancaster Lincoln.

Loay hoay minh định lỗi

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan việc rà soát quá trình sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (nay là CTCP Cảng Sài Gòn) khi cổ phần hóa.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu hai cơ quan trên nghiên cứu các ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 14161/BTC - QLCS ngày 21/11/2019 về việc sử dụng đất của Cảng Sài Gòn, trong đó có lô đất tại số 430 - Nguyễn Tất Thành để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 210/VPCP – NN ngày 5/1/2018 (Công văn số 210) của Văn phòng Chính phủ.

Cần phải nói thêm rằng, cách đây 2 năm, tại Công văn số 210, Thủ tướng đã giao UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất của Cảng Sài Gòn trong quá trình cổ phần hóa theo đúng các quy định liên quan; trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Bộ Tài chính được giao rà soát việc sử dụng cơ sở nhà, đất của Cảng Sài Gòn, gồm tra soát lại quá trình chuyển nhượng, bán các cơ sở nhà đất của Công ty; trường hợp có vi phạm phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Trên cơ sở kết quả rà soát của Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát lại việc cổ phần hóa Cảng Sài Gòn, xử lý các bất cập, thiếu sót để đảm bảo việc cổ phần hóa đáp ứng các quy định của pháp luật, không làm thất thoát ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó hoàn thiện các thủ tục cổ phần hóa để quyết toán và bàn giao vốn sang công ty cổ phần. Trường hợp phát hiện vi phạm trong quá trình sử dụng đất tại Cảng Sài Gòn, các cơ quan chức năng cần kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì, thành lập Đoàn công tác gồm đại diện các bộ Tài chính, GTVT, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines (công ty mẹ của Cảng Sài Gòn) và các sở, ngành các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, TP.HCM tiến hành rà soát việc sử dụng cơ sở nhà, đất của Cảng Sài Gòn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, TP.HCM.

Vào đầu tháng 1/2019, Bộ Tài chính đã có Công văn số 113/BTC-QLCS về việc rà soát việc sử dụng các cơ sở nhà, đất của Cảng Sài Gòn khi thực hiện cổ phần hóa gửi Bộ GTVT để bộ này tổng hợp, xử lý theo chỉ đạo tại Công văn số 210. Bên cạnh đó, do Vinalines đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nên Bộ Tài chính đã chuyển kết quả rà soát đến cơ quan này để tổng hợp, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan thực hiện xử lý.

“Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Cảng Sài Gòn có xé rào?

Trong số 20 cơ sở nhà đất của Cảng Sài Gòn (4 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 tại Lâm Đồng và 15 tại TP.HCM) do Cảng Sài Gòn quản lý, sử dụng ttrước cổ phần hóa, điểm gợn lớn nhất chính là lô đất vàng tại số 430 - Nguyễn Tất Thành. Đây là lô đất có diện tích 2.286 m2 được UBND TP. HCM cho Cảng Sài Gòn thuê từ năm 1997 với số tiền thuê đất phải nộp hàng năm là 9,6 tỷ đồng để làm kho bãi.

Khu đất này sau đó được UBND TP.HCM xác định là đất thuộc chức năng khu công trình  công cộng, không phù hợp cho mục đích sử dụng kho, nên vào đầu năm 2004, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình UBND Thành phố xem xét để sở này ký hợp đồng với Cảng Sài Gòn thuê đất ngắn hạn, sử dụng theo hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi.

Vào tháng 8/2004, Cảng Sài Gòn được UBND TP.HCM tiếp tục gia hạn cho thuê khu đất tại số 430 - Nguyễn Tất Thành với những điều kiện do Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất.

Tháng 5/2004, Cảng Sài Gòn và Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng tại số 430 - Nguyễn Tất Thành để phục vụ chương trình tái định cư và chỉnh trang đô thị của UBND Thành phố. Hai năm sau, hợp đồng hợp tác đã được 2 đơn vị ký chính thức với nội dung triển khai Dự án Xây dựng chung cư – cao ốc văn phòng tại 430 - Nguyễn Tất Thành theo phương thức góp vốn - chia sản phẩm.

Để triển khai Dự án có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng này, Cảng Sài Gòn góp 60% tổng vốn đầu tư,bao gồm quyền khai thác khu đất tại số 430- Nguyễn Tất Thành với diện tích 2.477,8 m2 và góp bằng tiền theo tỷ lệ nêu trên. Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 góp quyền khai thác khu đất tại vị trí 430 - Nguyễn Tất Thành với diện tích 1.147 m2 và góp vốn bằng tiền theo tỷ lệ đã thỏa thuận.

Ngày 26/8/2013, Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 đã có Tờ trình số 05/CV – CT báo cáo UBND quận 4 về chủ trương đầu tư Dự án. Tại thời điểm này, để đạt chỉ tiêu xây dựng 210 căn hộ, diện tích khuôn viên 4.621,8 m2, diện tích phù hợp quy hoạch 3.354 m2, tổng mức đầu tư Dự án tăng lên 595 tỷ đồng. Trước đó, để chuyển mục đích sử dụng khu đất này, hai đơn vị được Sở Tài chính TP.HCM thông báo  phải nộp 127,8 tỷ đồng.

Với lý do Dự án bị ảnh hưởng hiệu quả, thị trường bất động sảnđóng băng và muốn tập trung vào ngành nghề cốt lõi là đầu tư khai thác cảng biển, nên vào tháng 11/2013, Cảng Sài Gòn đã ký biên bản giao đối tác thực hiện các thủ tục chuyển nhượng Dự án.

Vào cuối tháng 10/2014, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 5078/QĐ – UBND chấp thuận cho 2 đơn vị được chuyển nhượng Dự án tại số 430 - Nguyễn Tất Thành. Hai tháng sau, Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 đã ký hợp đồng chuyển nhượng Dự án cho Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster với giá chuyển nhượng 150 tỷ đồng. Phần kinh phí chuyển nhượng thu về, ngoài phần vốn đã góp, Cảng Sài Gòn nhận 90 tỷ đồng và Công ty Dịch vụ công ích quận 4 nhận 60 tỷ đồng.

Tại văn bản báo cáo quá trình chuyển nhượng cơ sở nhà đất số 430 - Nguyễn Tất Thành tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Công ty mẹ (nay là cổ đông chi phối) Vinalines, Cảng Sài Gòn khẳng định đã thực hiện đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công văn số 10742/BTC - QLCS ngày 16/8/2010 của Bộ Tài chính và Quyết định số 5078 của UBND TP.HCM). Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, tại Công văn số 10742  gửi Vinalines về phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất số 430 - Nguyễn Tất Thành của Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn, bộ này chỉ thống nhất về chủ trương chuyển mục đích sử dụng nếu phù hợp quy hoạch của Thành phố và đề nghị Vinalines chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính khẳng định, việc UBND TP.HCM có Quyết định số 5078/QĐ-UBND về chấp thuận cho chuyển nhượng Dự án Cao ốc tại số 430 - Nguyễn Tất Thành (Bên chuyển nhượng: Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4; bên nhận chuyển nhượng: Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster) là không đúng với phương án sắp xếp mà Bộ Tài chính đã có ý kiến nói trên.

Cần phải nói thêm rằng, vào năm 2013, Cảng Sài Gòn cũng tự ý bán cơ sở nhà, đất tại số 70 - Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, trong khi lô đất này đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng theo quy hoạch của UBND TP.HCM. Đây cũng là lý do khiến tổng số cơ sở nhà đất được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Cảng Sài Gòn (năm 2015) còn 18 cơ sở, thay vì 20 cơ sở.

Liên quan đến việc xử lý cơ sở nhà, đất tại số 430 - Nguyễn Tất Thành, liên tục trong năm 2019, Bộ Tài chính đã có ít nhất 2 công văn thúc Vinalines gửi báo cáo về vụ việc này.

Theo Bộ Tài chính, ngày 6/3/2019, Vinalines đã có Văn bản số 394/HHVN-TCKT về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Vinalines gửi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tại văn bản này, Vinalines không báo cáo cụ thể việc chuyển nhượng Dự án tại cơ sở nhà, đất số 430 - Nguyễn Tất Thành cho CTCP Tập đoàn Trung Thủy. Do đó, vào cuối tháng 11/2019, Bộ Tài chính lại tiếp tục có Công văn số 13957/BTC - QLCS thúc Vinalines chỉ đạo CTCP Cảng Sài Gòn báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cho phép chuyển nhượng Dự án nói trên.

“Trường hợp có biểu hiện sai phạm, Vinalines cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và đề xuất biện pháp giải quyết, đảm bảo tuân thủ chế độ quy định”, công văn do ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Quản lý công sản thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Bảo Như

Tags: Cảng Sài Gòn Đất Vàng Sai Phạm Bà Rịa – Vũng Tàu Vinalines