Tại nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo, cổ đông nội bộ đã nhanh chóng hoàn tất mua vào cổ phiếu. Đơn cử, ông Đặng Văn Thành, chồng bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công - Biên Hòa đã chi khoảng 130 tỷ đồng để mua vào gần 10 triệu cổ phiếu SBT. Trước đó, nhiều lãnh đạo SBT cũng quyết định chi tiền mua vào tổng cộng 4 triệu cổ phiếu doanh nghiệp.
Tương tự, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC như đăng ký, qua đó nâng mức sở hữu lên 85,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,15%). Ước tính, ông Tâm đã chi khoảng 120 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp này, cũng có không ít lãnh đạo doanh nghiệp không mua đủ số cổ phiếu đã đăng ký trước đó.
Chẳng hạn, 6 lãnh đạo Vinamilk chỉ hoàn tất mua 472.690 cổ phiếu trong tổng số 1,4 triệu đơn vị đăng ký mua, tương đương tỷ lệ giao dịch thành công là 33,8%.
Trong số đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Giám đốc điều hành Chuỗi cung ứng Vinamilk; ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Phát triển vùng nguyên liệu và ông Trần Minh Văn, Giám đốc điều hành - sản xuất không mua cổ phiếu nào trong số 200.000 đơn vị đăng ký.
Ông Lê Thành Liêm, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành tài chính, Kế toán trưởng và bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành nhân sự - hành chính - đối ngoại mỗi người mua lần lượt 52.690 và 20.000 cổ phiếu trong số 200.000 đơn vị đăng ký qua phương thức khớp lệnh.
Lãnh đạo duy nhất của Vinamilk mua đủ khối lượng đăng ký là bà Mai Kiều Liên, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc với số lượng 400.000 cổ phiếu.
Trong thời gian từ 24/3 - 22/4 mà các lãnh đạo Vinamilk đăng ký mua, giá cổ phiếu VNM chạm mức đáy 4 năm, còn 83.700 đồng/cổ phiếu, sau đó điều chỉnh về vùng giá 99.000 đồng/cổ phiếu.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Thị Ngọc Dung chỉ mua được 1 triệu trên tổng số 2 triệu cổ phiếu đăng ký mua vào. Diễn biến thị trường chưa phù hợp với dự kiến cá nhân là lý do phía PNJ đưa ra để giải thích cho việc này.
Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch, cổ phiếu PNJ biến động khá mạnh. Thời điểm cuối tháng 3, cổ phiếu này giảm sâu lùi về 45.900 đồng/cổ phiếu, nhưng đến 23/4 đã về lại vùng giá 60.000 đồng/cổ phiếu.
Việc không mua đủ số lượng cổ phiếu đăng ký cũng diễn ra tại CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG). Chỉ có 3 trong số 8 lãnh đạo và người liên quan mua đủ số cổ phiếu đăng ký.
Cụ thể, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc; ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên Hội đồng quản trị và ông Trần Huy Thành Tùng - Trưởng ban Kiểm soát mua đủ lần lượt 720.000, 80.000 và 300.000 đơn vị đã đăng ký.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ mua 40% trong số 500.000 cổ phiếu MWG đã đăng ký; bà Nguyễn Thị Thu Hương - vợ ông Trần Huy Thanh Tùng chỉ mua vào 110.000 cổ phiếu trong tổng số 200.000 đơn vị đã đăng ký.
Ông Đặng Minh Lượm, thành viên Hội đồng quản trị thậm chí không mua vào cổ phiếu nào trong 290.000 đơn vị đã đăng ký. Ba vị này đều đưa ra cùng lý do thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân.
Còn bà Vũ Đăng Linh - Giám đốc tài chính MWG chỉ mua vào 10.000/70.000 đơn vị đăng ký, lý do là không thu xếp kịp nguồn tài chính cá nhân.
Với bà Lý Trần Kim Ngân, Kế toán trưởng MWG, việc chỉ mua 50% trong số 50.000 cổ phiếu MWG đã đăng ký trong thời gian 23/3 - 21/4 có lý do là thị trường không thuận lợi.
Như vậy, lãnh đạo và người nội bộ của MWG đã thực hiện mua vào gần 1,4 triệu cổ phiếu trong tổng hơn 2,2 triệu cổ phiếu đã đăng ký, tỷ lệ thành công là 63%.
Vào thời điểm cuối tháng 3, cổ phiếu MWG mất hơn 50% thị giá so với đầu năm và chạm đáy bốn năm ở mức 58.900 đồng/cổ phiếu.
Sau khi Ban lãnh đạo và người có liên quan đăng ký gom cổ phiếu, thị giá MWG cũng bật tăng ấn tượng hơn 40%. Cổ phiếu này hiện giao dịch ở vùng giá 79.400 đồng/cổ phiếu.
Việc ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp điện 1 chỉ mua 210.000 cổ phiếu PC1 trong số 500.000 đơn vị đăng ký lại được giải thích là do người thao tác đặt lệnh... không để ý thời hạn thực hiện giao dịch nên không đặt đủ số lượng đăng ký.
Ông Bùi Minh Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Transimex (TMS) và vợ là bà Hoàng Thị Mỹ Duyên thì lấy lý do giá cổ phiếu không phù hợp nên không thể thực hiện mua đủ số cổ phiếu đăng ký.
Cụ thể, từ ngày 25/3 - 23/4, ông Tuấn chỉ mua vào 11.990 cổ phiếu TMS trong số 1 triệu đơn vị đăng ký qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Còn bà Duyên chỉ thực hiện mua 420 cổ phiếu trong số 300.000 cổ phiếu TMS đăng ký từ ngày 19/3 - 17/4. Được biết, hai vị này thường xuyên không mua hoặc mua không đủ lượng cổ phiếu đăng ký.
Việc lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu là chuyện thường xảy ra khi cổ phiếu giảm sâu. Động thái này giúp “cứu giá” cổ phiếu, vì nhà đầu tư kỳ vọng thị giá cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn do cổ đông nội bộ là người hiểu rõ nhất tiềm năng của doanh nghiệp nên đua theo.
Nhưng nếu đăng ký mua rồi... để đó, nhất là với những lý do thiếu thuyết phục sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp.
Quỳnh Lê