Từ năm 2015, các startup về Fintech bắt đầu phát triển tại thị trường Việt Nam, từ đó nó dần trở thành một tín hiệu tốt gây chú ý với cộng đồng cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, con số này còn rất khiêm tốn.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty fintech, con số này với Malaysia 196 và Indonesia là 262. Tới Việt Nam, Momo là một trong những fintech hiếm hoi có sự góp mặt các startup tầm thế giới khi từng lọt Top 100 fintech thế giới và ứng dụng số 1 thế giới về quản lý chi tiêu Money Lover. Một vài công ty đã ứng dụng AI và data-sciene vào sản phẩm dịch vụ, đi vào cuộc sống thường ngày của rất nhiều người như FE Credit, Tima và Trusting Social.
Một tín hiệu đáng mừng là năm 2019, lượng vốn đầu tư cho các công ty công nghệ tài chính hay còn gọi là fintech tại Việt Nam chiếm tới 36% so với cả khu vực Đông Nam Á. Trong khi năm 2018, con số này chỉ gần 0% cho thấy sự bùng nổ fintech tại Việt Nam.
Cẩn trọng câu chuyện "đốt tiền"
"Đốt tiền" là một trong những cách để tạo ra tăng trưởng đột phá dành cho những fintech đặc biệt là các fintech thanh toán. Tuy nhiên theo phân tích của ông Hà Đăng Chính, chuyên gia fintech tại CTCP Công nghệ Tinh Vân, câu chuyện "đốt tiền" thu hút người dùng cần rất tỉnh táo.
"Đối với một chi phí cho một hoạt động của công ty công nghệ có 2 mảng rất quan trọng: Thứ nhất là chi phí bỏ ra để dành được 1 người dùng (tạo ra thói quen cho một khách hàng thường xuyên), thứ hai là giá trị vòng đời khách hàng có thể chi trả được. Vậy nếu như họ bỏ ra 400.000 đồng cho thói quen trả tiền điện online và không dùng tiền mặt thì câu chuyện là họ có thể duy trì được khách hàng đấy trong hệ thống của họ khoảng 10 năm.
Câu chuyện này cần rất tỉnh táo giữa chi phí đốt tiền và chi phí khách hàng đem lại. Và rất nhiều fintech có thể bị sa đà vào câu chuyện đấy. Chúng ta nói rằng chúng ta đốt tiền cho người dùng nhưng đôi khi chúng ta đốt tiền mà không hiểu vì lý do gì.
Người dùng luôn luôn thấy được ưu đãi là ngay lập tức chuyển dịch giữa các ví. Có thể trên hệ thống tôi có 5 hay 10 tài khoản khác nhau nhưng thực ra tôi vẫn chỉ là 1 người thôi", ông Chính trả lời phỏng vấn VTV.
Cái bắt tay giữa ngân hàng và fintech
Bên cạnh sự trỗi dậy của fintech, một câu hỏi đặt ra là liệu tương lai các ngân hàng có bị đe dọa. Chuyên gia Hà Đăng Chính nhận định, hiện ngành ngân hàng đang đưa vào làn sóng thứ ba. Làn sóng phát triển thứ hai cách đây vài năm là sự phát triển của ngân hàng điện tử. Hiện giới ngân hàng đang đang phải chuyển dịch sang phát triển ngân hàng số.
"Ở đó các mảng tiêu dùng phục vụ cho khối khách hàng phải được hợp nhất, càng đa dạng hóa loại hình dịch vụ, càng tiện lợi cho người dùng thì đấy là điểm quan trọng. Muốn làm được như vậy thì phải dựa vào sự phát triển của các công nghệ như AI, Big Data, Machine Learning. Tất cả các hành vi của người tiêu dùng. Và lúc đấy tôi đưa ra được gói có tối ưu cao nhất kể cả các khách hàng có tổ chức", ông Chính cho biết.
Trong câu chuyện chuyển đổi số, những ngân hàng chậm chạp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng đây lại là cơ hội cho các ngân hàng nhỏ có độ phủ chưa được cao, tính cạnh tranh chưa cao trong khối ngân hàng. Khi những đơn vị này kết hợp với các đơn vị làm fintech thì có thể tạo ra sức mạnh rất lớn, tăng độ phủ và sự hiện diện của mình lên. Hiện một số ngân hàng đang có những động thái này trong 2 năm vừa qua.
Chuyên gia này cho rằng ngân hàng và fintech nên có sự hợp tác và 3 năm tới xu hướng này vẫn phát triển bền vững đứng ở góc độ pháp lý, công nghệ, hợp tác cùng phát triển.
Thảo Nguyên (Tổng hợp)